15 món ăn lạ mắt ngon miệng từ vải thiều

149
Ngoài việc chế biến vải tươi thành các món nước giải khát, bạn còn có thể dùng vải làm nguyên liệu cho các món tráng miệng, món canh, món hầm, món xào,… cực lạ miệng và độc đáo. Sau đây là gợi ý 15 món ngon làm từ quả vải dành cho bạn và gia đình trong mùa hè này.

Thạch dừa vải: Thay vì làm thạch rau câu như thông thường, bạn có thể thêm cùi vải và cùi dừa non vào để có món tráng miệng thanh mát, giải nhiệt mùa hè (Nguồn: Zing)

Trà vải: Để làm món đồ uống mát lạnh này, bạn chỉ cần pha trà đen hoặc trà túi lọc cùng đường, chanh, sau đó thêm cùi vải và cuối cùng là một chút sả, bạc hà là hoàn thành

Trà vải hoa hồng: Tương tự, bạn hãm trà hoa hồng trong khoảng 3 phút rồi chắt lấy nước. Sau đó cho thêm đường, nước vải tươi, nước cốt chanh vàng vào bình trà rồi khuấy đều

Bước cuối cùng, bạn cho cùi vải với lượng nhiều hay ít tùy theo sở thích, rồi thêm đá viên, cắm thêm lá bạc hà để tăng thêm mùi vị và giúp cốc trà đẹp mắt hơn

Trà vải hạt sen: Vẫn với cách làm là pha trà đen hoặc trà túi lọc cùng đường rồi cho thêm cùi vải, bạn chỉ cần thêm bước ninh hạt sen với đường, sao cho hạt sen bở, khi ăn có vị ngọt bùi là đã đạt

Sorbet vải: Sorbet là một loại tráng miệng thoạt nhìn có vẻ giống kem, nhưng lại không chứa sữa và vô cùng dễ làm

Bạn chỉ cần đun sôi cùi vải trong nước đường. Khi hỗn hợp nguội, bạn cho thêm nước cốt chanh, rồi để vào ngăn đông 2-3 tiếng là đã có thể sử dụng

Chè khúc bạch vải: Món chè khúc bạch tươi ngon, mát lịm gồm có các nguyên liệu: 125ml sữa tươi không đường, 125ml kem sữa tươi (whipping cream), 3 muỗng canh đường, 4,5 muỗng cafe bột gelatin (khoảng 12-13g), 1 muỗng cafe (5ml) tinh mùi hạnh nhân, 300ml nước, 80g đường phèn, vải tươi và hạnh nhân lát rang vàng (Nguồn: Sức khỏe & Đời sống)

Đầu tiên, bạn hòa bột gelatin với nước ấm. Sau đó, đun nóng sữa và kem sữa tươi với đường và gelatin (đã tan) vào rồi khuấy đều. Tắt bếp, cho tinh dầu hạnh nhân. Đợi khi hỗn hợp nguội, bạn hãy vào tủ lạnh để cho đặc lại. Tiếp theo, bạn đi nấu nước đường

Để thưởng thức, bạn hãy cắt rau câu hạnh nhân thành các khối vuông, cho cùi vải vào bát, thêm nước đường và đá, rồi rắc hạnh nhân lát rang vàng lên mặt là đã có một bát chè khúc bạch vải thơm ngon, mát lịm

Sữa chua vải đậu biếc: Gồm có các nguyên liệu vải, sữa chua, sữa tươi, hoa đậu biếc khô, bột báng (Nguồn: Vietnamnet)

Đầu tiên, ngâm bột báng 15 phút, rồi đun sôi trong 5 phút cùng hoa đậu biếc. Sau đó vớt ra ra, ngâm nước lạnh để bột không bị dính

Tiếp theo, bạn rim vải và hoa đậu biếc trong nước đường. Sau đó, bạn nhồi bột báng vào quả vải đã bỏ hạt, rồi cho vào bát đã có sẵn sữa chua, sữa tươi và nước rim vải là hoàn thành một bát sữa chua vải đậu biếc đẹp mắt

Chè vải cốt dừa: Đầu tiên, bạn nấu vải với đường cát để tạo nước. Tiếp theo, tiến hành nấu rau câu dừa rồi cắt hạt lựu. Để thưởng thức, bạn chỉ cần trộn chung vải với rau câu, thêm dừa tươi nạo sợi, nước cốt dừa (bạn có thể nấu nước cốt dừa bằng nước dừa tươi, dầu dừa, đường và bột đao hoặc mua nước cốt dừa lon đóng sẵn để tiết kiệm thời gian)

Chè vải hạt sen: Để có bát chè vải hạt sen thơm ngon, bạn lưu ý ninh hạt sen với nước đường sao cho sen bở, bùi. Phần còn lại rất đơn giản, bị chỉ cần thêm cùi vải vào hạt sen nước đường đã ninh là hoàn thành rồi!

Si-rô vải: Si-rô vải rất tiện dụng, bạn có thể dùng để pha đồ uống, làm kem, làm bánh,…Để làm nó, bạn hãy bóc vỏ, bỏ hạt và cho vải vào đun cùng nước và đường khoảng 10 phút cho đến khi vải mềm. Tiếp đó, bạn lọc bỏ vải, lấy nước si-rô cho vào hộp kín, trữ trong tủ lạnh (Nguồn: Zing)

Cà ri nấu vải: Ít người biết, vải còn được dùng để nấu các món cà ri gà, cà ri tôm hay cà ri heo để tạo ra vị ngọt và mùi thơm thú vị, khác biệt

Nguyên liệu nấu món ăn này gồm: 100g sốt cà ri xanh của Thái, 300g thịt gà, 100g đậu cô ve, 400ml nước cốt dừa, 250ml nước, 10 trái vải tươi, một muỗng canh dầu olive, 1 thìa hành tỏi băm nhuyễn, 1 thìa nước mắm

Gà xào vải chua ngọt: Nếu món gà xào chua ngọt đã quá quen thuộc với gia đình bạn, hãy thử đổi vị bằng cách thêm vải đã bỏ hạt và một ít nước cốt vải vào xào chung

Cách làm mới lạ này không chỉ giúp huông vị món ăn thêm thơm ngon, mà còn giúp món gà xào chua ngọt của bạn lạ mắt hơn so với bình thường

Salad tôm vải: Để làm Salad tôm vải, bạn cần hấp hoặc luộc tôm, lột vỏ bóc hột vải, cắt nhỏ xà lách và rau mùi. Sau đó trộn đều các nguyên liệu trên cùng nước mắm ớt. Như vậy là bạn sẽ có một đĩa salad đẹp mắt và phù hợp với tiết trời nóng nực mùa hè

Để Salad tôm vải thêm hấp dẫn, bạn có thể cho thêm các nguyên liệu phù hợp với sở thích, như: xoài, bơ, cà rốt, dưa chuột,…

Cơm rang vải: Bạn đã bao giờ thử món ăn này chưa? Nếu chưa, thì đây là gợi ý cho bạn. Nguyên liệu món ăn gồm: 10 quả vải, 1 thìa tỏi băm, 2 cái xúc xích, 50g xá xíu, 1 quả trứng gà, 1 bát cơm trắng, 30g hạt điều, các loại gia vị (hạt nêm, nước tương, hạt tiêu) (Nguồn: Dân sinh)

Ngay sau khi bắc chảo lên bếp, bạn hãy cho dầu ăn thêm tỏi băm vào phi thơm. Tiếp theo, cho xúc xích, xá xíu, trứng gà và cơm trắng vào đảo đều. Nêm nếm gia vị. Cuối cùng, khi cơm gần chín, bạn cho vải, hạt điều vào. Trước khi bày ra đĩa, bạn nên cho thêm hành lá, hạt tiêu, đảo qua 1 lần nữa để món ăn thêm thơm ngon, đẹp mắt

Vải sấy khô: Món vải sấy khô rất dễ làm nếu nhà bạn có nồi chiên không dầu. Bước đầu, bạn rửa sạch và tiến hành luộc vải trong khoảng 2 phút. Sau đó, vớt vải ra và để ráo. Chuyển sang giai đoạn thứ 2, đó là sấy vải

Đầu tiên, bạn làm nóng nồi chiên bằng cách bật lò ở mức nhiệt 180 độ C trong vòng 5 phút. Sau đó, xếp vải vào và sấy 8 lần (tổng thời gian sấy là 4 tiếng) 30 phút/ lần, ở mức nhiệt 80 độ C. Sau mỗi lần sấy bạn lại kéo nồi ra và đảo đều vải một lượt để vải được sấy khô đều

Nguyên Ý