6 loại nước nên uống vào mùa hè để giảm mụn, mát gan
Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể khó chịu, cùng với ăn nhiều thực phẩm tính nóng làm gan kém đi. Gan là bộ phận quan trọng giúp thanh lọc chất độc ra ngoài, khi chức năng gan suy giảm, độc tố trong cơ thể tích tụ, dấn đến các triệu chứng mụn nhọt mà dân gian thường gọi là nóng gan. Vì vậy hãy bổ sung ngay các loại nước uống sau đây giúp làm mát gan nhé.
1. Nước rau má
Rau má được xem là loại “rau mát gan” của nhiều người. Vì có vị đắng, tính mát nên từ xưa rau má đã được dùng như một loại thảo dược, thuốc trị mụn Đông y… các dưỡng chất có trong rau má giúp làm lành vết thương do mụn, giảm thâm mụn, tái tạo làn da. Tác dụng của nước rau má cũng mang lại hiệu quả cải thiện với người bị mụn nhọt rôm sảy, khí hư bạch đới, giảm stress, phòng ngừa bệnh tim mạch…
Về cách dùng, rau má thường được dùng để nấu canh hoặc ăn trực tiếp kèm các loại rau sống trong bữa cơm. Ngoài ra, một số người còn dùng bã rau má trị mụn cho da dẻ mịn màng, đặt biệt nước rau má là loại thức uống phổ biến giúp làm dịu mát cơ thể.
Chỉ nên uống 3-4 ly nước rau má trong tuần. Nếu dùng hằng ngày thì mỗi ngày không uống quá 40g rau má và nên ngưng hai tuần sau khi uống liên tục trong một tháng.
2. Bột sắn dây
Sắn dây thường được xếp vào một trong các loại nước uống giải nhiệt cơ thể. Bột sắn dây được mài từ củ sắn dây, theo Đông y loại củ này có vị ngọt, mát, tính bình.
Bột sắn dây còn có thể dùng trong các món chè hoặc các loại nước mát đẹp da. Khi dùng bột sắn dây cần có một số lưu ý: Hạn chế dùng bột sắn dây sống, tốt nhất là cho nước nóng từ từ vào khuấy đều cho bột tan và chín hẳn. Mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 1 ly sắn dây. Phụ nữ có thai không nên uống hoặc nếu có nhu cầu cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Trà xanh
Trong các loại nước uống giải nhiệt cơ thể, trà xanh là loại trà thải độc cơ thể dân dã và phổ biến có thể dễ dàng tìm được.
Theo công bố của Tạp chí Thế giới về tiêu hóa – World Journal of Gastroenterology năm 2015, trà xanh có tác dụng làm giảm chất oxy hóa, giảm hàm lượng chất béo, từ đó kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu, hạn chế tổn thương tế bào gan.
Với nhiều công dụng bổ ích cho cơ thể, trà xanh thường được dùng như một loại trà mát gan. Cách dùng phổ biến là rửa sạch lá trà tươi sau đó cho nước sôi vào để lấy nước trà xanh nguyên chất.
Việc lạm dụng trà xanh cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm. Trong 200ml trà xanh có chứa khoảng 24-45 mg caffeine, việc dùng trên 4 ly trà một ngày có thể gây ra táo bón, tiểu đường, mất ngủ, kích ứng ở ruột, rối loạn nhịp tim, thiếu máu… Dùng quá 300ml trà xanh mỗi ngày sẽ gây loãng xương. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nếu dùng hơn 2 ly trà xanh mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh.
4. Lá sâm ( lá găng)
Lá sâm hay sương sâm là loại lá mát gan dân dã, sương sâm mọc dại phổ biến ở Đông Nam Á với hai loại: Sâm trơn và sâm lông. Lá sâm vừa có tác dụng giải khát vừa được sử dụng như vị thuốc uống mát gan, trị mụn, thanh lọc cơ thể.
Để đảm bảo an toàn, có thể mua lá sâm về vắt lấy nước, để đông tự nhiên. Có thể ăn với đá và một ít đường.
Cần lưu ý chỉ nên dùng không quá 2 ly sương sâm mỗi ngày vì sương sâm có tác dụng nhuận tràng, ăn quá nhiều có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Khi mua sương sâm nên chọn mua lá tươi về làm tại nhà, các loại làm sẵn thường thiếu vệ sinh hoặc thêm phụ gia làm đông có thể gây ngộ độc.
5. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc cũng là một loại trà mát gan được nhiều người sử dụng. Theo Tạp chí Thế giới về Tiêu hóa (World Journal of Gastroenterology), trà hoa cúc có khả năng cải thiện gan nhiễm độc do lạm dụng thuốc giúp gan duy trì hoạt động bình thường. Ngoài công dụng của một loại trà thải độc, trà hoa cúc còn giúp ổn định niêm mạc dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa.
Về cách dùng, trà hoa cúc cũng như nhiều loại trà khác nên được dùng nóng và chỉ nên uống vào sáng sớm để giúp cơ thể tỉnh táo, hoặc sau bữa ăn nhằm cải thiện đầy hơi, khó tiêu.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo chỉ nên uống dưới 2 tách trà một ngày và không nên uống trà vào buổi tối vì dễ gây mất ngủ.
6. Nước dừa
Nước dừa được coi là loại nước uống mát gan tự nhiên với rất nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng cường trao đổi và chuyển hóa chất. Hơn thế, bổ sung nước dừa sau khi thức giấc sẽ giúp hỗ trợ đào thải cặn bã, độc tố tích tụ trong đêm ra khỏi cơ thể. Loại nước này cũng chứa lượng lớn axit lauric với khả năng chống viêm, kháng khuẩn cao giúp da giảm mụn.
Uống nước dừa tươi là tốt nhất, ngoài ra có thể cho thêm ít đường, đá, chanh nếu chỉ có nhu cầu dùng như các loại nước uống giải khát thông thường.
Đa số mọi người tin rằng dừa là loại trái cây tự nhiên nên uống nhiều nước dừa cũng không gây vấn đề gì cơ thể. Song thực tế, theo Sở Nông nghiệp Mỹ, nước dừa chứa hàm lượng carbohydrate, cùng hàm lượng natri, kali cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bị cao huyết áp, tim mạch.
Bên cạnh đó nước dừa cũng chứa lượng đường cao (6,26 gram/1ly), nếu dùng thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Một tác dụng rõ rệt của nước dừa là lợi tiểu, dùng quá nhiều loại thức uống này sẽ khiến thận làm việc vất vả hơn.
Nguyễn Thương (t/h)
Ảnh nguồn internet