Cô gái mê lập trình giành học bổng 7 tỷ đồng

Đam mê lập trình, Đào Vũ Triều Hân, 18 tuổi, đăng ký vào đợt tuyển sinh sớm của trường Đại học Stanford, Mỹ, giành học bổng 300.000 USD – tương đương 7 tỷ đồng.
Triều Hân học lớp 12 trường Cypress Ridge (bang Texas), sinh ra tại Sài Gòn nhưng qua Mỹ từ năm 13 tuổi. Sau 6 năm theo học, cô vừa giành học bổng toàn phần cho 4 năm học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (top 3 bảng xếp hạng các trường Đại học danh tiếng thế giới, theo The Times Higher Education).
Đào Vũ Triều Hân hiện đang học THPT tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đào Vũ Triều Hân đang học THPT tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nữ sinh có gương mặt sáng, vẻ ngoài cá tính, cho biết từ năm lớp 7 đã hứng thú với bài giảng tổng quan về bộ môn STEM. Hân bị cuốn hút khi thấy chỉ cần viết vài dòng code cũng tạo ra được những chuyển động của một đồ vật hay tạo ra các ứng dụng, robot. “Thầy giáo dạy lập trình nói rằng, code hiện diện xung quanh cuộc sống chúng ta nên tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu về môn học này”, Hân kể.
Ở trường Cypress Ridge, học sinh được lựa chọn môn theo khả năng, sở thích thay vì “gánh” cùng lúc rất nhiều môn. Ngoài 4 môn bắt buộc là văn học, toán, lịch sử và khoa học tự nhiên, học sinh được chọn 3 trong số các môn như nấu ăn, thể thao, hội họa, làm đồ gỗ, khoa học máy tính… Hân là nữ sinh duy nhất của lớp theo học lập trình.
“Ngoài kiến thức nền, để chinh phục thành công hội đồng tuyển sinh thì sự thành thực chính là yếu tố giúp ghi điểm. Viết về những gì mình thích, đam mê là điều giúp hội đồng tuyển sinh hiểu rõ cá tính và con người mình nhất”, nữ sinh chia sẻ quan điểm khi làm hồ sơ gửi Đại học Stanford.
Trong bài luận của mình, Hân nói về sự liên kết giữa toán học và nghệ thuật, cách áp dụng code để miêu tả mối liên kết đó. Với đúng thuật toán hoặc một tham số nhất định thì máy tính có thể vẽ ra một bức tranh gồm các hoa văn mà con người có thể tương tác, nhìn được sự chuyển động và thay đổi hành vi của vật thể theo thuật toán mà mình viết ra.
Vượt qua định kiến cho rằng môn lập trình khô khan, nhàm chán, không phù hợp với con gái, Hân chứng minh cho hội đồng tuyển sinh thấy sự thú vị, tính sáng tạo và cách sử dụng code để tạo nên những sản phẩm của riêng mình. Cô trình bày dự án cá nhân kết hợp tính thẩm mỹ của nghệ thuật với tính logic của lập trình, thuật toán. Ngoài ra, Hân lấy ví dụ về chuỗi Golden Ratio hay chuỗi Fibonacci được bắt gặp rất nhiều trong các bức họa nổi tiếng, trong thiết kế và trong tự nhiên khiến bài luận trở nên sinh động, ấn tượng hơn.
Triều Hân (thứ 3 từ phải sang) cùng bạn học phổ thông tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Triều Hân (thứ 3 từ phải sang) cùng bạn học phổ thông tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong 4 năm học phổ thông, Hân dành đa số thời gian tìm tòi và áp dụng các kiến thức lập trình đã được học trên lớp và qua online vào các dự án cá nhân như ứng dụng mobile và web app. Ngoài ra, cô cùng team nghiên cứu về Real time systems (hệ điều hành thời gian thực) tại Đại học Houston, dự án Open source (phần mềm nguồn mở) về lập trình Animation và một dự án về ứng dụng học từ vựng.
Hân còn là Phó chủ tịch Câu lạc bộ khoa học, trưởng ban tổ chức của United Under Arts HCMC – một dự án về nghệ thuật của trường; thực tập sinh nghiên cứu về hệ điều hành thời gian tại một trường đại học, đội trưởng trong các cuộc thi về khoa học, lập trình máy tính.
Hân chọn Đại học Stanford vì điểm mạnh của trường là luôn nỗ lực trong việc tìm ra các giải pháp để đối mặt với những thách thức lớn, đồng thời chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng lãnh đạo trong thế giới phát triển. Đây cũng là ngôi trường tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Herbert Hoovert hay nhà đồng sáng lập Yahoo! Jerry Yang và David Filo từng theo học.
Tháng 9/2022, Hân sẽ bắt đầu kỳ học đầu tiên tại Stanford. Chuyên ngành cô khá thích thú là AI và Human – Computer interaction, trong tương lai Hân mong có thể kết hợp và áp dụng hai mảng này vào các dự án về khoa học máy tính để góp phần xây dựng cộng đồng xung quanh.
Bảo An