Mùa bàng nõn

Chúng ta vừa đón xuân sang, cũng là mùa bàng thay lá mà nhiều người gọi là mùa lá nõn. Đây là nét đẹp của đất trời sang mùa mà hình ảnh ấn tượng, tràn trề cảm xúc chính là tán bàng. Chỉ trong chốc lát, những lá bàng chuyển màu sang đỏ ối như màu ngói mới lấp lánh trong nắng vàng, cứ ngỡ hàng cây như bùng cháy để thắp đỏ bầu trời xanh.
Chúng ta vừa đón xuân sang, cũng là mùa bàng thay lá mà nhiều người gọi là mùa lá nõn. Đây là nét đẹp của đất trời sang mùa mà hình ảnh ấn tượng, tràn trề cảm xúc chính là tán bàng. Chỉ trong chốc lát, những lá bàng chuyển màu sang đỏ ối như màu ngói mới lấp lánh trong nắng vàng, cứ ngỡ hàng cây như bùng cháy để thắp đỏ bầu trời xanh. Rồi chỉ chờ những cơn gió xuân hây hẩy se se lạnh thổi tới, cả một vòm lá ồ ạt từ trên trời cao đổ xuống làm bồng bềnh, rộp đỏ những vỉa hè phố phường. Lá già vừa buông, còn ngập tràn dưới gốc thì từ các đầu cành mầm non xanh biếc đã nhú trong mưa xuân gieo nhẹ. Để một sớm mai, chúng ta thấy trên vòm trời nõn nà chồi biếc, chục ngày sau, cả tán bàng đã kín lá xanh che nắng. Một sự chuyển giao nhẹ nhàng, rộn ràng rất khẩn trương. Có cảm tưởng rằng những tán bàng không muốn mình trơ trọi, cằn cỗi dù chỉ là một phút giây ngắn ngủi nên rất hối hả lá vàng thay bằng chồi biếc để đón xuân sang. Khi ta ngước nhìn, đó chính là một bầu trời xuân đúng nghĩa của sự tơ non ngập tràn. Phút giây bàng thay lá thật diệu kỳ, không có một loài cây nào ở phố có được sắc màu và âm thanh xao xuyến đó.

Cây bàng thay lá ở Thư viện tỉnh.

Nếu hỏi biển Nha Trang nên thơ ngoài hàng dừa, hàng dương, tra thì là cây gì? Câu trả lời đó chính là những tán bàng cổ thụ! Đúng thế, trước Viện Pasteur, Bảo tàng tỉnh cho tới Tháp Trầm Hương tuy còn rải rác nhưng đó chính là bóng thời gian một thuở hiền hòa của miền cát trắng chưa xa. Thêm một điều kỳ lạ, những hàng cây bàng ngả bóng ra hứng nắng biển tự biến cành khẳng khiu thành mềm dẻo, đôi chỗ thướt tha. Có lẽ những cơn gió biển suốt đêm ngày lay động làm cho những cành lá vốn thẳng tắp, mạnh mẽ trở nên mềm mại như con sóng kia chăng? Có phải những tán bàng đã “nguyện làm con sóng” với biển Nha Trang như lời một bài hát?

Bàng ở Nha Trang xưa trồng rất nhiều trên đường phố, trong khuôn viên các trường học, tòa biệt thự cổ kính… Bàng thực sự là bóng cây che mát bốn mùa. Bàng không có hoa thơm quả ngọt, chỉ mỗi nhiệm vụ che mát, nhất là những trưa hè nắng cháy. Vì thế, bàng theo thời gian gắn bó với bao thế hệ con người lớn lên. Khi ta còn bé thơ được học hành vui chơi dưới tán bàng, nhặt những quả bàng chín có lớp thịt ngòn ngọt chan chát, cắn sâu vào xơ thì chua nhưng thú vị nhất chính là nhân bàng. Nhân bàng nằm sâu trong quả bàng chín, rất kỳ công và khéo léo đập mới có được nhân bàng để nhấm nháp thì rất thú vị. Tôi đã có một tuổi thơ đi nhặt quả bàng phơi khô đập lấy nhân bán cho tiệm bánh làm nhân bánh Trung thu. Ngày nay, lớp trẻ con không mấy đứa cầm đá hay búa để đập quả bàng lấy nhân nữa. Với người lớn, người già thì những gốc bàng bên bờ biển là nơi ngồi nghỉ ngơi hóng mát trưa chiều, đánh cờ tướng, chơi thể thao, tập thể dục. Với những nghệ sĩ tìm cái đẹp thì những tán bàng rập rờn bên bờ biển chính là nguồn cảm hứng sáng tạo của hội họa hay nhiếp ảnh.

Một mùa lá nõn đã qua, những lá bàng cứng cáp, xanh thẫm sẵn sàng chấp nhận những ngày nắng lửa của mùa hạ sắp tới để che chở con người. Chợt nhớ dư âm một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Bốn mùa thay lá, bên đời xanh mãi, những nụ mầm mới…”. Nha Trang mùa bàng nõn vừa qua nhưng xanh mãi như bầu trời…

Dương Trang Hương