Những thói quen hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe.
Giữa nhịp sống vội vã bận rộn, chúng ta khó có thể tận hưởng những khoảng lặng giúp bản thân hồi phục và làm dịu căng thẳng. Tuy vậy, vẫn có những thói quen đơn giản mà lại không mất nhiều thời gian có thể giúp bạn cải thiện cả sức khỏe và tinh thần.
Thói quen ăn sáng đều đặn
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày bởi đây là thời điểm bắt đầu quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Theo các nghiên cứu, thói quen tốt bắt đầu bằng 1 bữa sáng đầy đủ dưỡng chất, lành mạnh sẽ cung cấp cho các thành viên nguồn năng lượng dồi dào, hệ miễn dịch khỏe mạnh và đầu óc minh mẫn để làm việc cũng như học tập tốt hơn.
Không những vậy, ăn sáng đầy đủ còn giúp chúng ta tránh được việc thèm ăn vặt suốt cả ngày. Điều này không chỉ tốt cho việc tiêu hóa mà còn giảm được nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
Uống đủ nước giúp cơ thể khỏe mạnh, làm đẹp da
Đây là thói quen cơ bản mà bạn cần nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện. Nước là thành phần quan trọng để thanh lọc cơ thể, bài trừ các độc tố gây bệnh, giúp làn da căng tràn sức sống, tăng khả năng tập trung, bảo vệ sức khỏe tim mạch và chống viêm nhiễm hiệu quả.
Mỗi ngày, mỗi người cần uống tối thiểu 8 – 10 cốc nước, tùy thuộc vào hoạt động thể chất. Tuy nhiên, chúng ta nên tránh uống nước ngọt, nước uống có ga bởi những thức uống này có thể làm tăng nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2.
Ngửi một chút hương thảo nhẹ nhàng giúp cơ thể tỉnh táo
Nghiên cứu khoa học cho thấy ngửi một ít mùi hương thảo có thể giúp cơ thể tỉnh táo và thoát khỏi những cơn buồn ngủ.
Ngoài tác dụng khắc phục tình trạng uể oải, loại thảo dược này cũng có tác dụng trong việc giảm một số vấn đề về hệ hô hấp. Bạn có thể đặt một chậu cây nhỏ tại không gian làm việc hoặc sử dụng tinh dầu hương thảo để nâng cao chất lượng sức khỏe và tinh thần.
Thói quen ngâm chân với nước ấm mỗi ngày
Bàn chân là nơi tập trung khá nhiều các cơ, huyệt đạo và dây thần kinh của cơ thể. Do vậy mà việc chăm sóc tốt cho đôi bàn chân không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn đẩy lùi căng thẳng hiệu quả.
Vận động mỗi ngày
Nếu muốn sở hữu sức khoẻ dẻo dai và thể trạng cân đối, ai trong chúng ta cũng cần phải luyện tập thể dục. Chỉ với 30 phút vận động hằng ngày, bạn sẽ có thể phòng chống được nhiều bệnh tật như huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, và thừa cholesterol.
Ngoài ra, khoa học chứng minh việc luyện tập thể dục còn đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư đường ruột và ung thư cổ tử cung. Không chỉ vậy, việc vận động còn giúp cơ thể tiết ra hooc môn endorphine, giúp tinh thần sảng khoái và giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Thói quen tắt điện thoại trước khi đi ngủ
Việc tắt điện thoại trong khi ngủ là điều rất cần thiết. Tuy vậy, để có giấc ngủ chất lượng hơn, bạn hãy rời xa điện thoại trong khoảng thời gian 30 phút trước khi ngủ. Điều này không chỉ giúp bạn ngủ nhanh hơn mà còn ngủ sâu giấc và trọn vẹn hơn.
Ảnh minh họa
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Dù bạn vẫn đang trẻ, luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật thì vẫn nên kiểm tra sức khỏe định kì để theo dõi sức khoẻ từng cơ quan của cơ thể, đồng thời có thể phát hiện những triệu chứng về sức khỏe và có các biện pháp điều trị kịp thời. Phát hiện nguy cơ bệnh càng sớm và điều trị kịp thời sẽ gia tăng khả năng khỏi bệnh.
Tuy nhiên, mức độ thường xuyên này có thể giảm theo độ tuổi và tình trạng sức khoẻ của bạn. Nếu bạn dưới 30 tuổi và không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (như thừa cân, chán ăn, vàng da,…) và không có thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia thì có thể kiểm tra 2–3 năm/ lần. Từ 30 – 40 tuổi, bạn có thể kiểm tra cách mỗi năm một lần. Từ 50 tuổi trở lên, việc kiểm tra hàng năm là cần thiết dù thể trạng không có vấn đề.
Hoàng Oanh/TH