Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh – “Nữ tướng” tài ba của REE
Đi qua ranh giới hai thời kỳ chiến tranh và hòa bình, xuất thân là một kỹ sư điện lạnh doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh là người chèo lái REE từ những năm 80 – 90 để phát triển thành một tập đoàn lớn hiện nay…
(Ảnh: Internet)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bà là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968 khi mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư đoàn 9, Chiến khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Năm 1973, bà cùng em trai ra Bắc học tập rồi được tạo điều kiện du học tại CHDC Đức nhờ thành tích học tập xuất sắc. Bà tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí, rồi lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước. Sau đó bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP.HCM).
Sau khi tốt nghiệp Đại học tại Đức, từ năm 1982, bà Mai Thanh gia nhập Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh với vị trí là một kỹ sư.
Năm 1984, nhờ thành công trong việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), bà đã ghi điểm trong mắt lãnh đạo xí nghiệp. Một sáng đẹp trời năm 1985, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, khi ấy 33 tuổi bất ngờ được ông Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Xí nghiệp khi ấy đề nghị “kế vị”.
“Khi đó tôi đã bị sốc”, bà Mai Thanh kể lại, nhưng sau chút suy nghĩ, nữ kỹ sư trẻ gắn bó với xí nghiệp được 3 năm mạnh dạn nhận lời, nhưng kèm theo điều kiện “được phép lựa chọn đội ngũ làm việc cùng mình”.
Ở tuổi 33, bà Mai Thanh quản lý 200 con người, chấp nhận đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không có một đồng.
Để có tiền nuôi quân, bà phải quyết định lập hồ sơ để Xí nghiệp vay vốn ngân hàng nhập tủ lạnh cũ, tân trang bán lại kiếm lời, lần hồi, cầm cự vượt qua cuộc khủng hoảng giá lương tiền năm 1986.
Năm 1992, Xí nghiệp của bà Mai Thanh cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn xung phong thực hiện cổ phần hóa và đến năm 1993 thì trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) ra đời từ đó.
“Nữ tướng” tài ba của REE doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh. (Ảnh: Internet)
Chèo lái con tàu REE
Đầu những năm 90 ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều tòa cao ốc mọc lên, REE làm không hết việc ở mảng M&E, nhưng bà Mai Thanh ấp ủ kế hoạch sản xuất máy điều hòa thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng. Có dịp đi nhiều nước, thuyền trưởng REE tìm ra nguồn thiết bị, linh kiện nhập khẩu, nhưng vướng nút thắt tài chính.
Năm 1996, một vị khách bất ngờ gõ cửa Công ty. Đó là Dominic Scriven, nhà quản lý Quỹ VEIL. Ông đến với lý do “nghe nói ở TP.HCM có một doanh nghiệp làm ăn khá và năng động nên thử đến tìm cơ hội”. Lời chào đầu của Dominic Scriven với REE là một khoản vay 5 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi.
Những tư tưởng lớn gặp nhau, thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời.
Thế rồi, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 diễn ra, gián tiếp gây ảnh hưởng đến đầu tư tại Việt Nam, nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, hoạt động kinh doanh của REE trở nên bấp bênh, phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường bất động sản.
Trong những ngày tháng khó khăn, bà Mai Thanh mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, đưa nhà xưởng về Khu công nghiệp Tân Bình. Với mặt bằng đất rộng, mặt tiền đường Cộng Hòa, REE xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Tòa E -Town đầu tiên, diện tích 30.000 m2, khánh thành năm 2002, được lấp đầy trong 18 tháng tạo cú huých để công ty phát triển thêm gần 80.000 m2 văn phòng cho thuê trong một thập niên sau đó.
Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, với sự mạnh dạn của người thuyền trưởng, REE tạo ra nhiều cột mốc đáng nhớ: doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên…
Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, mỗi khi REE ở thế chân tường, bà Mai Thanh lại tìm ra một hướng đi mới. Vì vậy, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, REE báo lỗ hơn 150 tỷ đồng, cổ phiếu REE có lúc mất giá tới 85%, bà Mai Thanh đã kiên quyết cắt bỏ các khoản đầu tư tài chính, dốc nguồn lực đầu tư chiến lược vào hạ tầng tiện ích.
Tái cơ cấu trong vài năm trở lại đây, REE đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than và nước sạch bằng cách miệt mài thu gom cổ phiếu từ các đơn vị niêm yết cũng như thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, nước.
Tính đến cuối năm 2014, giá trị đầu tư tại lĩnh vực này lên đến 4.115 tỷ đồng, chiếm 85% tổng đầu tư; so với năm 2013, REE đã rót ròng thêm 916 tỷ đồng đầu tư vào điện, nước và cắt giảm các khoản mục đầu tư khác.
Giá trị đầu tư vào lĩnh vực điện, nước của REE chiếm 85% tổng đầu tư và lợi nhuận từ lĩnh vực này chiếm trên 50% tổng lãi ròng. Trong đó, tổng công suất điện REE sở hữu là 585 MW với tổng vốn đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 3.426 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 71%, lớn nhất trong các lĩnh vực mà công ty đang đầu tư.
Còn trong lĩnh vực nước, đến cuối năm 2014, REE đã sở hữu 3 nhà máy phát nước với công suất sở hữu 375.000 m3/ngày đêm. Công suất này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2025 theo quy hoạch cấp nước của TP. Hồ Chí Minh.
Với chiến lược hiện tại, bà Mai Thanh đang hướng REE đến mô hình công ty Holdings – sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong ba lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước) tại Việt Nam.
TH