Cách làm bạn với đứa con bướng bỉnh
Đưa ra những lựa chọn
Những đứa trẻ bướng bỉnh thích chịu trách nhiệm với bản thân. Hãy cho chúng nhiều cơ hội quyết định cuộc sống riêng. “Hãy để chúng lựa chọn, như thích mặc gì, thích dùng chiếc cốc màu gì hoặc chơi xích đu nào ở công viên”, Holly Nordenberg, chuyên gia tư vấn, huấn luyện phụ huynh trong việc nuôi dạy trẻ khoa học, ở thành phố Madison, bang Wisconsin, Mỹ, cho biết.
Lorie Anderson, nhà sáng lập Mom Informed – website hướng dẫn cha mẹ từ lúc con chào đời đến tuổi teen, cũng đồng ý với quan điểm trên. “Bạn không thể chỉ đề ra luật và bắt con phải làm theo, bởi nếu làm vậy trẻ sẽ trở nên giận dữ và càng bướng bỉnh hơn”, Lorie Anderson nói.
Phụ huynh có thể đưa ra các lựa chọn, nhưng phải dẫn tới quyết định đúng. Ví dụ, trời lạnh, bạn hỏi con muốn mặc chiếc áo ấm màu hồng hay xanh. Trong hai lựa chọn này, con chọn chiếc áo nào cũng sẽ ấm áp.
Bình tĩnh
Đôi khi cha mẹ có thể đánh giá nhầm con bướng bỉnh. Ví dụ, có thể con bạn được yêu cầu làm việc gì đó mà chưa có kỹ năng, hoặc bị choáng ngợp với môi trường và chưa học được cách đương đầu với cảm xúc.
Bạn hãy hít một hơi thật sâu, đặt ra các câu hỏi và lắng nghe con nói gì. Đó có thể là chìa khóa để tìm ra điều gì đằng sau hành vi của chúng.
Ảnh: Everypixel.
Đặt ra những nguyên tắc
Bạn cho phép con là chính mình và đưa ra các lựa chọn, nhưng phải có nguyên tắc. “Cách dễ nhất để thực hiện nguyên tắc là đề ra thói quen hàng ngày như làm bài tập ngay sau khi đi học về, tối đi ngủ đúng giờ”, chuyên gia Anderson tư vấn. Trẻ sẽ tự học cách vượt qua các cảm xúc và cảm thấy độc lập hơn.
Các nguyên tắc hay luật lệ là một phần của cuộc sống và học những điều này ở nhà sẽ giúp trẻ biết cách sống giữa cộng đồng.
Khi con lớn, bạn có thể cho chúng tham gia nhiều hơn vào những cuộc trao đổi về nguyên tắc và giới hạn; cho chúng thêm quyền quyết định cuộc sống riêng và đặt ra kỳ vọng. Bằng cách đó, chúng sẽ hiểu lý do đằng sau những kỳ vọng ấy.
Làm gương
Hãy tự hỏi bản thân có đang áp dụng các kỹ năng và cách cư xử bạn muốn con mình thể hiện không? Nếu bạn phản ứng lại với sự bướng bỉnh của con trong một tình huống gây thất vọng, con sẽ không thay đổi hành động hoặc ý kiến của mình.
Thay vào đó, hãy công nhận những cảm xúc và để con biết những cảm xúc này là quan trọng, có giá trị, giúp chúng tìm ra giải pháp và cố gắng bình tĩnh khi mọi việc không đi đúng hướng.
Hãy gợi ý để trẻ nói cho bạn những lần căng thẳng, cách xử lý để bình tĩnh. Bạn có thể đưa ra gợi ý như cùng ra ngoài đi bộ hoặc hít thở sâu và chậm. Việc trẻ thở sâu và chậm rất hữu ích, giúp chúng trở lại trạng thái bình thường.
Trong tình huống này, những sự động viên tích cực, như khen ngợi hoặc một cái ôm sẽ có tác dụng rất lớn.
Chọn cách đối đầu
Một vài trẻ học qua trải nghiệm. Bạn càng cố gắng ngăn đứa trẻ ngang bướng làm việc gì thì chúng sẽ làm việc đó bằng mọi giá.
“Là phụ huynh, việc của bạn là không để con bị thương, nhưng vẫn cần cho chúng thử nghiệm theo ý mình. Chúng sẽ thử các giới hạn nhưng cũng học về những gì xảy ra và điều đó là tốt”, chuyên gia Anderson giải thích.
Cô cũng gợi ý phụ huynh đưa ra những lời cảnh báo thay vì ra lệnh. Ví dụ, nếu bạn bảo đội mũ áo lên vì trời đang mưa, nhưng con không làm theo và để bị ướt, chúng sẽ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe cha mẹ.
“Tốt hơn là để chúng đi qua quá trình đó sớm, trước khi có thể đặt bản thân vào mối nguy hiểm thực sự”, Anderson khuyên