Ai sẽ chi tiêu trên nền tảng trực tuyến trong tương lai?
Trong tương lai, người dân châu Á sẽ chi tiêu hàng hóa nhiều trên nền tảng trực tuyến. (Nguồn: Bloomberg)
Một nửa mức tăng chi tiêu của thế giới sẽ đến từ châu Á trong thập kỷ tới, nhưng có rất ít người thực sự hiểu biết trọn vẹn về người tiêu dùng châu Á.
Hàng hóa sẽ được tiêu thụ trên nền tảng trực tuyến
Theo nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, châu Á đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Từ nay đến năm 2030, quy mô thị trường tiêu dùng tại châu lục được dự đoán lên đến 10 nghìn tỷ USD.
Xét trên quy mô toàn cầu, cứ hai hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao trở lên thì sẽ có một hộ gia đình ở châu Á; và người tiêu dùng ở khu vực này chiếm 50% số giao dịch mua bán trên toàn thế giới.
Thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để hiểu hơn về người tiêu dùng châu Á, về cách họ mua sắm, cũng như những lực lượng nào đang thay đổi nhu cầu và sở thích của họ. Để có một bức tranh cụ thể hơn, chúng ta hãy cùng nhau xem xét một số đối tượng người tiêu dùng dưới đây.
Những cụ già sành điệu khuynh đảo mạng xã hội
Những người trên 60 tuổi được dự kiến sẽ đóng góp đến 1/3 tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Ở các nền kinh tế phát triển của châu Á, tỷ lệ này là 2/3.
Xu hướng già hóa dân số đã và đang hiện diện tại châu Á trong những năm gần đây. Số lượng người cao tuổi đang nhiều lên và phần lớn người lớn tuổi đang hoạt động tích cực hơn trên nền tảng trực tuyến.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hơn 90% người cao tuổi dự kiến sẽ tham gia vào các nền tảng trực tuyến trước năm 2030, còn ở Trung Quốc, dự kiến sẽ vượt quá 2/3 dân số. Do có quá nhiều người già bị kẹt tại nhà trong đại dịch, nên xu hướng này ngày càng gia tăng hơn.
Theo thống kê, vào cuối năm 2020, hơn 11% người dùng internet của Trung Quốc là người trên 60 tuổi; tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 9 tháng.
Chỉ riêng chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe cũng dự kiến sẽ tăng thêm 250 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, và khoản tiêu dùng này ngày càng được thực hiện nhiều trên nền tảng kỹ thuật số.
Một số công ty đã bắt đầu tận dụng xu hướng này khi cho ra đời bộ chăm sóc sức khỏe tại nhà, tích hợp trí tuệ nhân tạo với nhiều chức năng khác nhau, bao gồm: máy đo nồng độ oxy cầm tay, máy đo điện tâm đồ và một quả bóng bóp thông minh.
Những người trẻ độc thân
Tại Nhật Bản, có một bộ phận người trốn tránh giao tiếp xã hội và thích ở nhà một mình, ngay trước cả khi đại dịch Covid-19 nổ ra.
Ngoài ra, tình trạng như otaku (người trẻ bị ám ảnh bởi máy tính đến mức đánh mất các kỹ năng xã hội) và hikikomori (hiện tượng các cá nhân hoàn toàn rút lui khỏi đời sống xã hội) là những đặc điểm nổi bật trong cuộc sống Nhật Bản hiện đại.
Những “hộ gia đình một người” ngày càng lan rộng khắp châu Á. Hiện nay, những gia đình kiểu này đang chiếm 1/3 tổng số hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển ở lục này. Nói cách khác, đây có thể được xem như là một “nền kinh tế cô đơn”.
Hệ quả kéo theo là xu hướng sở hữu thú cưng tăng vọt. Tại Hàn Quốc, mức tăng này là 60% trong 10 năm qua. Không chỉ vậy, những “người bạn” robot tích hợp trí tuệ nhân tạo cũng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Các “hộ gia đình một người” đang thúc đẩy sự tăng trưởng trong các lĩnh vực giải trí, dịch vụ giao hàng, trải nghiệm cá nhân (bao gồm cả ăn uống và đi lại), và thậm chí có thể dẫn đến việc cần định hình lại các thành phố, số lượng nhà ở dành cho người độc thân cũng cần nhiều hơn.
Những người trẻ chi tiêu cao – vay nợ cao – sống cùng công nghệ
Thế hệ người trẻ “sống cùng công nghệ” – bao gồm người thuộc thế hệ Y (sinh sau năm 1980) và thế hệ Z (sinh sau năm 1990 đến năm 2012) đang đóng góp hơn một phần ba mức tiêu thụ của châu Á.
33% người trẻ thuộc thế hệ Z dành hơn 6 giờ mỗi ngày trên điện thoại di động và “ngấu nghiến” các nội dung video.
Thế hệ người trẻ “kỹ thuật số” của châu Á có xu hướng sử dụng các nền tảng mạng xã hội phương Tây, nhưng phần lớn lại theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội trong nước, ưa chuộng các nền tảng thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số trong nước.
Các thành viên của thế hệ này nhìn chung lạc quan về tương lai tài chính của bản thân và sẵn sàng vay nợ để tiêu dùng hơn so với các thế hệ trước.
Ở Trung Quốc, một nửa số người tiêu dùng hiện đang vay nợ là người trẻ dưới 30 tuổi, và họ đang thúc đẩy chi tiêu trực tuyến các sản phẩm như quần áo và hàng tiêu dùng. Một điểm cần lưu ý chính là gần 30% nợ mới của họ đang được sử dụng để “tái chế” nợ cũ.
Người tiêu dùng bảo vệ môi trường
Châu Á là khu vực có khả năng hứng chịu nhiều rủi ro khí hậu và số lượng người dân châu lục này quan tâm đến môi trường đang tăng.
Trong một cuộc thăm dò gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 88% người tiêu dùng Ấn Độ nói rằng họ đã thay đổi thói quen tiêu dùng của mình do những lo ngại về biến đổi khí hậu. Tỉ lệ này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Không có gì ngạc nhiên khi một bộ phận người tiêu dùng châu Á đang có nhận thức ngày càng cao về việc bảo vệ môi trường trong thói quen mua sắm của họ.
Theo một cuộc khảo sát của Viện McKinsey, mức độ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm thân thiện với môi trường đang tăng lên, và ở một số quốc gia châu Á, con số này ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn so với Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Người dân Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩn bao bì thân thiện với môi trường. Mặc dù các sản phẩm này thường đắt hơn (có thể lên đến 30%), nhưng do thu nhập của người châu Á tiếp tục tăng lên, nên đây không phải là trở ngại lớn.
Tất cả chúng ta đều biết quy mô của nền kinh tế châu Á; bỏ lỡ châu Á là bạn sẽ bỏ lỡ một nửa mức tăng trưởng tiêu dùng trên thế giới trong 10 năm tới. Nhưng những con số tuyệt đối không phải là toàn bộ câu chuyện.
Người tiêu dùng trong khu vực này vô cùng đa dạng và thay đổi nhanh chóng, đôi khi theo những cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi công nghệ ngày càng thay đổi mạnh mẽ.
(theo Bloomberg)