ẤN TƯỢNG CÁNH ĐỒNG TRÂM Ở AN GIANG
Cùng với rừng cây Thốt nốt, Trâm là cây tự mọc rất nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn. Vẻ đẹp của cánh đồng Trâm hình thành nét chấm phá riêng của đất và người An Giang, nhất là khi mùa Trâm chín rộ.
Cho đến nay vẫn chưa ai xác định cánh đồng Trâm ở Tri Tôn do ai trồng, nhưng chỉ biết chúng thường mọc hoang dã ngoài tự nhiên. Đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, dù trên vùng đất khô cằn.
Mùa trâm Bảy Núi chín rộ từ tháng 6 âm lịch, người dân thu hoạch lai rai kéo dài vài ba tháng. Năm nay, cây trâm cho năng suất cao, người hái Trâm bán được giá từ 35.000- 40.000 đồng/kg, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống sau khi ngưng việc đồng áng. Công việc hái Trâm chín hoàn toàn bằng thủ công, người leo cây Trâm giỏi bình quân 1 ngày có thể hái được 20-30kg trái.
Ông Cao Thế Phiệt – Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
“Ngày xưa là cây mọc hoang nên người ta không sử dụng trái Trâm nhiều mà chủ yếu lấy gỗ làm củi thôi, nhưng sau những năm 80 đến nay thì trái Trâm được xem là đặc sản, là món quà ưa thích cảu tuổi trẻ nên bên cạnh những cây Trâm cổ thụ người ta trồng cây Trâm mới mọc người ta trồng ở các bờ ruộng để nó thành rừng Trâm. Do cây Trâm có giá đồng thời là cây ăn trái đồng thời là cây tạo bóng mát nên sợ rằng sẽ bị thất thoát rưng trâm UBND huyện cùng với kiểm lâm kiểm soát để bảo tồn cây Trâm và cây Trâm được xem là cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Núi Tô.”
Cây Trâm được xem là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng Bảy Núi. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con trong lúc nông nhàn, cây Trâm còn giúp giữ đất, giữ vườn; tạo bóng mát cho người nông dân sau những buổi lao động mệt nhọc. Với hiệu quả kinh tế cùng với vẻ đẹp tự nhiên, ngành chức năng huyện Tri Tôn đã bảo tồn, phát triển loại cây đặc sản này để phát triển du lịch./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Hạnh Phúc