Bà Trần Thị Thu Hằng trở thành nữ chủ tịch HĐQT Kienlongbank ở tuổi 36

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB)  vừa công bố nghị quyết bầu chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022.

Bà Trần Thị Thu Hằng trở thành nữ chủ tịch HĐQT Kienlongbank ở tuổi 36

Bà Trần Thị Thu Hằng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank.

Theo đó, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Kienlongbank giữ chức danh chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/05/2021.

Trong thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan, từ ngày 3/5 đến ngày 25/5, bà Trần Thị Thu Hằng sẽ đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch hội đồng quản trị phụ trách hoạt động của hội đồng quản trị Kienlongbank.

Trước đó Kienlongbank đã công bố nghị quyết thôi giữ chức danh chủ tịch HĐQT ngân hàng đối với ông Lê Hồng Phương, kể từ ngày 03/5/2021. HĐQT Kienlongbank cũng thông qua đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 theo nguyện vọng của ông Phương.

Bà Hằng sinh năm 1985, là thạc sỹ tài chính ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Trần Thị Thu Hằng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018, bà trải qua một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.

Từ năm 2019-2020, bà Hằng chuyển sang gắn bó với lĩnh vực bất động sản, là tổng giám đốc của Công ty Cổ phần tập đoàn Sunshine, phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sunshine Homes, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech.

Từ ngày 28/1/2021 đến ngày 31/1/2021, bà giữ chức vụ thành viên HĐQT Kienlongbank. Bà đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch hội đồng quản trị Kienlongbank từ ngày 1/2/2021 đến nay.

Kienlongbank mới đây đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc HĐQT Kienlongbank sẽ trình cổ đông việc bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank.

Ngân hàng cho biết, việc bổ sung tên gọi mới nhằm truyền tải thông điệp rõ ràng về tầm nhìn và sứ mệnh chiến lược giai đoạn mới là một trong những ngân hàng cung cấp dịch vụ tốt nhất trên nền tảng số. Chữ K biểu hiện cho chữ Kiên Long, chữ S thể hiện biểu tượng bản đồ Việt Nam, biểu tượng rồng phun châu nhả ngọc.

Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Kienlongbank dự kiến tăng lên gần 3.653 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết số vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2021 sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn để đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, Kienlongbank cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 17%.

Năm 2021, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank là 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm trước. Tổng tài sản năm 2021 dự kiến tăng 16,62%; trong đó, dư nợ cấp tín dụng tăng 28,47%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%.