Cách phát hiện sớm bệnh ung thư vú chị em cần biết
Ung thư vú là loại ung thư không gây cho bệnh nhân một triệu chứng nào cụ thể nhưng ngược lại nó là một loại ung thư có thể phát hiện được sớm.
Các bước giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú
Cần khám kiểm tra định kỳ vú và phụ khoa mỗi năm để sàng lọc ung thư vú
Đối với những phụ nữ khỏe mạnh, cần khám kiểm tra định kỳ vú và phụ khoa mỗi năm, từ 35 tuổi trở lên dù không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao thì 3 – 6 tháng khám một lần theo chỉ định của thầy thuốc.
Chụp nhũ ảnh định kỳ hàng năm hoặc theo chỉ định của thầy thuốc. Cho đến ngày nay, nhũ ảnh là phương tiện tốt nhất để giúp chúng ta phát hiện sớm ung thư vú và nó có thể phát hiện được ung thư vú ở giai đoạn không có triệu chứng lâm sàng hàng năm trước khi người bác sĩ và bệnh nhân cảm nhận được tổn thương.
Nhũ ảnh được đề nghị chụp tầm soát cho các phụ nữ > 35 tuổi với nhịp độ như sau:
– Chụp lần đầu tiên trong đời trong khoảng 35 – 39 tuổi.
– Từ 40 – 49 tuổi, thực hiện một lần mỗi một đến hai năm tùy theo các yếu tố nguy cơ của người phụ nữ (sẽ trình bày phần sau).
– Mỗi năm một lần cho các phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.
Tự khám vú: được đề nghị thực hiện với mọi phụ nữ trên 20 tuổi, phụ nữ nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần. Khi tự khám đều đặn chị em sẽ biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường đâu là bất thường, với các bước như sau:
– Đứng trước gương, ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế: hai tay để phía sau mông, nghiên nhẹ người tới trước, quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước của hai vú (một bên lớn hơn thường lệ, hoặc teo nhỏ lại), quan sát da vú (da cam, da bị lõm xuống ở một vùng nào đó), xem núm vú có bị kéo lệch hay tụt vào không và ấn nhẹ núm vú xem có máu hay chất dịch tiết ra ở đầu núm vú không?
– Nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, tay phải để sau gáy, dùng các ngón tay trái (bàn tay phải xòa thẳng), nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu phần trên rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm một cục u (khối u, khối bướu). Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại. Cuối cùng là nên sờ vùng nách hai bên để xem có u hoặc hạch nách không. Nếu tự khám đều đặn và thường xuyên sẽ phát hiện được những khối u nhỏ hơn nhiều so với các phụ nữ không thực hiện việc tự khám vú mình.
Nếu thực hiện tốt các bước trên thì sẽ phát hiện được ung thư vú ở các giai đoạn rất sớm hoặc với các khối u với kích thước < 1cm và không có di căn hạch. Lợi ích của phương thức này là một phương thức phát hiện sớm ung thư ít tốn kém, không sang chấn và chi phí chấp nhận được.
Tại các nước đang phát triển, các chương trình tầm soát được tiến hành bằng cách khám hàng loạt cho các phụ nữ khỏe mạnh > 35 tuổi, đã làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú lên đến 30%.
Các yếu tố tạo ra nguy cơ của ung thư vú
Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm sẽ có tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 85% và không phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú.
Việc xác định một phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao của ung thư vú là việc rất cần thiết cho các bác sĩ ung thư và các bác sĩ phụ khoa, đối với phụ nữ trong qui trình khám phụ khoa và tầm soát ung thư vú để chỉ định chọ nhịp độ theo dõi và điều trị. Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm:
– Phụ nữ trên 50 tuổi.
– Đã bị ung thư vú một bên.
– Tiền căn gia đình vừa bên cha vừa bên mẹ có người bị ung thư vú.
– Tiền căn ung thư vú ở thế hệ 1: mẹ, chị, con gái.
– Bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.
– Tiểu đường sau mãn kinh.
– Đời sống kinh tế cao.
– Sanh con đầu lòng sau 35 tuổi.
– Độc thân hoặc sanh ít.
– Tiền căn có xạ trị.
– Có kinh sớm trước 12 tuổi.
– Mãn kinh sau 55 tuổi.
– Mập phì.
Phòng tránh ung thư vú
Vú là cơ quan dễ bị ung thư nhất của phụ nữ nhưng hiện nay vẫn chưa có phương phòng ngừa nào có hiệu quả. Khuynh hướng hiện nay, đa số các thầy thuốc đều khuyên nên:
– Cố gắng cải thiện các yếu tố nguy cơ cao nếu được, nếu có các yếu tố nguy cơ cao thì nên tự khám và đi kiểm tra thường xuyên vú và phụ khoa.
– Tránh stress (chấn kích), dinh dưỡng đúng và cân bằng, bổ sung thêm khẩu phần nhiều rau quả và trái cây chứa nhiều β caroten.
– Chụp nhũ ảnh định kỳ, có thể làm thêm các xét nghiệm bổ sung cheo chỉ định của thầy thuốc.
Theo thống kê của Trung tâm Ung Bướu TP. HCM: Ung thư vú là một loại ung thư rất phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, đứng thứ hai trong các ung thư phụ khoa sau ung thư cổ tử cung tại miền Nam và đứng hàng đầu trong các ung thư phụ khoa ở các tỉnh phía Bắc.Tại Pháp, cứ 100 phụ nữ tử vong do ung thư thì có đến 25 ca tử vong do ung thư vú, chiếm tỷ lệ đến 77,4 người trên 100.000 dân. Mỗi năm có đến 20.000 ca ung thư vú phát sinh và có đến 10.000 phụ nữ tử vong hàng năm do ung thư vú.