Cụ bà 90 tuổi xuất sắc đoạt ‘cú đúp’ giải thưởng cuộc thi viết Nhớ thương mùi Tết

128
“Có thể nói, mỗi bài Nhớ thương mùi Tết, dù dung lượng chỉ trên dưới 1.000 chữ, nhưng nó thực sự là “đại dương yêu thương” và “rừng thẳm mùi hương”, nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban Giám khảo nhận định.

Chiều nay (12.3), báo Thế Giới Tiếp Thị Online tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết Nhớ thương mùi Tết. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi (từ 1.12.2020 đến ngày 15.2.2021) ban tổ chức đã nhận được 883 bài viết gửi về dự thi. Không chỉ thu hút đông đảo bạn viết trong nước, cuộc thi còn thu hút hơn 20 tác giả là người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài (Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Séc, Trung Quốc, Hàn Quốc…).

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi và bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, trao giải nhất cho tác giả Nguyễn Thị Anh. Ảnh: Anh Dũng

Từ 883 bài viết dự thi, ban sơ khảo đã làm việc nghiêm túc để chọn ra 96 bài đạt chất lượng, đăng tải dần trên Thế Giới Tiếp Thị Online. Từ 96 bài, Ban Tổ chức chọn 48 bài vào Chung khảo. Các thành viên ban chung khảo chấm điểm độc lập, cộng điểm trung bình, trao đổi, phân tích… để chọn các tác phẩm đoạt giải.

Kết quả, giải nhất được trao cho tác giả Nguyễn Thị Anh với bài viết Tết đầu tiên tôi buồn tiếng pháo. Trong khi đó, giải nhì trao cho tác giả Đặng Ngọc Hùng với bài viết Tuổi 16 nhớ nhà. Hai giải ba được trao cho tác giả Nguyễn Như Sương với bài viết Những mùa xuân khó quên và Trần Văn Toàn với bài viết Theo chân ba thắp nhang cho Mạp. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 5 giải khuyến khích và ba giải thưởng phụ cho các tác giả.

Đáng chú ý, cụ Nguyễn Như Sương đến từ Trảng Bàng (Tây Ninh), đã đoạt “cú đúp” với một giải ba và một giải phụ bài viết nhận được nhiều lượt chia sẻ (share) nhất. Cụ Sương là tác giả lớn tuổi nhất tham dự cuộc thi khi năm nay đã 90 tuổi. Chia sẻ sau khi nhận giải, cụ Sương cho biết đã viết tay bài viết và nhờ người nhà đánh máy lại rồi gửi cho ban tổ chức. Ở độ tuổi này nhưng cụ Sương vẫn thường xuyên sử dụng Facobook nhằm kết nối và chia sẻ những ghi chép, cảm nhận (viết ra giấy và nhờ người nhà đánh máy) với mọi người trên mạng xã hội.

“Tôi ấn tượng với bài viết Những mùa xuân khó quên của cụ bà Nguyễn Như Sương, khi hoài nhớ những cái tết ấu thơ bên dòng sông Bảy Háp (Cà Mau), nơi mà “đồng nước mênh mông bốn mùa gió lộng, có cá lội, có chim ca, tiếng bìm bịp kêu nước lớn, tiếng cúm núm vang đồng”… Để rồi tết này, ở tuổi 90, cụ bài lại miên man nhớ những nhịp tết ngân chảy qua nhịp đời mình”, Nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban Giám khảo, chia sẻ.

Cụ Nguyễn Như Sương – tác giả lớn tuổi nhất tham dự cuộc thi giao lưu cùng MC và nhà văn Trần Nhã Thuỵ. Đặc biệt, bài viết “Những mùa xuân khó quên” của cụ cũng nhận được nhiều lượt chia sẻ nhất. Ảnh: Anh Dũng

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi – ông Nguyễn Hoàng Nam, cũng cho biết: “Tôi nhận được nhiều cảm xúc thú vị khi đọc những bài viết dự thi. Có người nhớ về Tết qua lưng áo đẫm mồ hôi của cha, qua bàn tay dắt mình theo năm tháng của nội; có người nhớ Tết qua nồi lá xông của bà hay qua những chắt chiu từng con ruốc, con rươi con cá, chùm trái dành cho cháu con từ đầu tháng chạp. Nhớ thương mùi Tết cũng là nhớ thương một thời tuổi trẻ, nhớ những người bạn thiếu thời, nhớ một vùng đất, nhớ một hình ảnh tưởng chỉ là điều gì đó thoáng qua trong quá khứ… Mỗi bài viết là một câu chuyện, một nỗi niềm, một sự sẻ chia có vui có buồn, có mất mát, có hạnh phúc có bình an, có lạc quan hy vọng… Mỗi câu chuyện là một giọng điệu, một cảm xúc, nhưng tựu trung đều rất chân tình. Và như thế, bằng câu chuyện của riêng mình, người viết đã tiếp sức cho chúng tôi, những người làm công tác tổ chức có thêm động lực để tiếp tục… nhớ thương mùi Tết ở những mùa sau!”

Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết: “Có thể nói, mỗi bài Nhớ thương mùi Tết, dù dung lượng chỉ trên dưới 1.000 chữ, nhưng nó thực sự là “đại dương yêu thương” và “rừng thẳm mùi hương”. Qua đây, tôi thêm một lần minh định rằng: Vấn đề không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào. Và, cũng không phải câu chuyện của kỹ thuật viết, mà là câu chuyện của tâm hồn. Cũng là câu chuyện đó, nhưng có tác giả viết vo tròn, trơn tru; nhưng có tác giả lại tỉ mẫn khắc chạm từng họa tiết, gợi lên một miền hương… Hay chính xác hơn là tác giả mở một con đường thiên lý trong miền ký ức mênh mang của mình.

Dường như ai đọc bài Tết đầu tiên tôi buồn tiếng pháo của Nguyễn Thị Anh (TP.HCM) cũng thấy bóng dáng mình trong đó: “Ông nội tôi đứng van vái trước mâm cúng giao thừa, cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Pháo nhà tôi cũng nổ thật giòn, thật vang dội…!”. Nhưng tiếng pháo vui, mà tiếng pháo cũng thật buồn, khi một người bạn của tác giả qua đời vì pháo nổ. Và, tôi cũng hiểu rằng, những Tết cũ, mùi hương cũ, không chỉ là chuyện đốt pháo, nhưng nó luôn Thật vui mà cũng thật buồn” như tác giả Nguyễn Thị Anh viết. Tôi cũng rất ấn tượng với bài viết Tết tuổi 16 nhớ nhà của tác giả Đặng Ngọc Hùng (TP.HCM). Chỉ trong dung lượng 1000 chữ thôi, nhưng bài viết như một “thiên truyện ngắn” với những chi tiết, bối cảnh, câu chuyện thật đặc biệt…Cậu bé 16 tuổi còn nhìn thấy nơi nhà của người chú, trong góc hành lang đẫm mùi nhang, mùi tiễn biệt một người thân, mùi của im lặng chia ly, không bút mực nào tả được… Nó như một đoạn phim đầy ám ảnh”.

Bài viết “Tuổi 16 nhớ nhà” của tác giả Đặng Ngọc Hùng đoạt giải Nhì. Ảnh: Anh Dũng

Một thành viên khác của Ban Giám khảo, nhà báo Nguyễn Như Thuần, nói: “Cuộc thi Nhớ thương mùi Tết năm nay khiến tôi không khỏi bất ngờ: Có bài dự thi đạt đến thể loại tuỳ bút trau chuốt, khá hoàn hảo, hầu hết các bài viết đều mang lại cảm xúc chân thành và sâu lắng. Phần lớn tác giả dự thi là người trẻ, nhưng cũng có khá nhiều tác giả đã ngoài 70 tuổi, có người là cựu chiến binh từng vào sinh ra tử… Tết – danh từ quen thuộc với người Việt, thanh âm mà khi gọi lên gợi cho ta quá nhiều điều. Đó là làng mạc quê kiểng, là kỷ niệm ấu thơ, là gia đình, là cha là mẹ…

Cho nên, mùi Tết vừa hiện thực vừa là ẩn dụ, mùi ký ức vấn vương trong nỗi nhớ của bao người con nước Việt. Đâu chỉ là mùi gió xuân phảng phất hoa đào miền biên viễn, mùi nhang trầm đêm ba mươi Tết, mùi chè sao trong chiếc chảo gang, đó còn là mùi mồ hôi trên chiếc áo sờn vai của mẹ, mùi đôi bàn tay sần chai của cha, hay mùi phân trâu vách đất dấu yêu ngày cũ… Nhớ thương mùi Tết đã cho tôi một cảm xúc đa dạng như vậy về Tết Việt”.

Được biết cuộc thi Nhớ thương mùi Tết do báo Thế Giới Tiếp Thị Online tổ chức lần đầu vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019 cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước.

Trọng Văn