Cuộc sống của cung nữ Trung Hoa cổ đại
Đa phần cung nữ đều là những người mang thân phận thấp hèn xuất thân từ gia đình bình thường lương thiện, không có quyền lực và tầm ảnh hưởng. Một số người khác được đưa vào cung do bản thân hoặc gia đình phạm tội, có địa vị thấp nhất, phải làm những công việc hạ đẳng. Bên cạnh đó, còn có những cung nữ do các quan địa phương hoặc các nước nhỏ hơn hiến tặng. Những cung nữ này thường xinh đẹp hoặc có tài nghệ đặc biệt, dễ thu hút sự chú ý của hoàng đế mà trở thành phi tần.
Công việc chính của các cung nữ thường là hầu hạ các phi tần, hoàng hậu và vua. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được ở gần gũi hay gặp mặt những vị chủ nhân của họ.
Theo ghi chép trong cuốn “Hà Thanh Tân Lệnh“, cuốn sách lịch sử Trung Hoa từ thời Bắc Tề (thế kỷ 6), số lượng, quy cách, cấp bậc của cung nữ chốn hậu cung mỗi triều đại đều có sự khác nhau, sông nhìn chung các cấp bậc cung nữ trong cung được phân thành “ngũ đẳng”, gồm Chiêu nghi, Phu nhân, Phi, Thế phụ và Ngự nữ. Nhưng dù ở cấp bậc nào, các cung nữ đều chỉ là những nữ nhân thuộc thân phận dưới.
Dù trong lịch sử cũng từng có nhiều phi tần được sủng ái có xuất thân từ vị trí cung nữ nhưng đây chỉ là những trường hợp hy hữu. Bởi cung nữ chốn hậu cung nhiều không đếm xuể, hoàng đế không thể để mắt đến từng người, nên thường thì các cung nữ chỉ được hoàng đế lưu tâm trong những khoảnh khắc hết sức ngẫu nhiên.
Nếu hoàng đế có nhu cầu hoan lạc và gần gũi với một cung nữ nào đó, thời gian sẽ do thái giám ghi chép lại. Triều Minh quy định, cung nữ được hưởng ân huệ của hoàng thượng thì bắt buộc phải có tín vật do vua ban làm chứng. Thái giám sẽ lưu lại thời gian và vật chứng để sau này nếu cung nữ có thai thì tiện bề đối chiếu.
Trên danh nghĩa, các cung nữ trong cung có đời sống ổn định, không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền, nhưng đây cũng như một án “chung thân” dang dở đối với họ. Các cung nữ đã tiến cung thường không có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí không được rời cung nửa bước. Nếu làm trái với quy định, sẽ khó thoát tội chém đầu hoặc đầy ra biên ải. Do luật lệ hà khắc như vậy nên đa phần cung nữ đều cam phận trong cung, làm việc khổ cực hết ngày này qua ngày khác cho tới già.
Khi vào cung họ mới 16 tuổi, đến khi đã 60 tuổi, xuân sắc qua đi, hồng nhan phai nhạt, họ lại làm phận ni cô, bầu bạn với ngọn đèn vàng và những cuốn sách cổ trong am, miếu, sống những tháng ngày còn lại trong lạnh lẽo.
Tìm cách giết thời gian trong những đêm dài
Ngoại trừ các cung nữ đặc biệt nhất định phải túc trực bên cạnh phi tần thì hầu hết cung nữ đều có lịch làm việc riêng, có thể là 3 ngày 1 lần hoặc là 5 ngày 1 lần. Chính vì vậy, vào buổi tối sau khi hầu hạ vua và các phi tần, cung nữ có thể tìm những thú vui riêng vừa giết thời gian vừa để vơi đi sự cô độc.
Trong các hoạt động giải trí, trò được các cung nữ lựa chọn nhiều nhất là chơi bài. Loại mà các cung nữ thường chơi gọi là Mã điếu, cách chơi khá giống với bài xì tố (hay xì phé).
Cách giải trí thứ 2 là chơi nhạc cụ. Chẳng hạn như sủng phi Thích Phu Nhân của Lưu Bang có một cung nữ thiếp thân tên là Giả Bội Lan, người này đặc biệt thông thạo các nhạc cụ.
Một cách giết thời gian khác của các cung nữ chính là hẹn hò. Nếu may mắn cung nữ có thể làm quen với một thị vệ nào đó, giữa họ chỉ có thể lén lút gặp mặt. Tuy nhiên một khi bị phát hiện hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Với một số cung nữ khác, cơ hội tiếp xúc đàn ông rất ít nên mới có thể dẫn đến trường hợp đặc biệt gọi là “đối thực”. “Đối thực” ban đầu được dùng để mô tả hành vi đồng tính luyến ái nữ giữa các cung nữ, về sau lại được sử dụng cho mối quan hệ ân ái giữa cung nữ và thái giám.