Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

Cô Lê Thị Đượm (61 tuổi, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) chia sẻ: “Nhà cô lúc nào cũng có hai cây cột bự song song và đều đóng vai chính hết”. Cây cột cô Đượm nói chính là cô và chồng, chú Phan Văn Danh. 36 năm bên nhau, cô chú luôn song hành, cùng nếm trải những gian nan, ngọt bùi. Trước đây, cô Đượm ngược xuôi với những chuyến hàng trên chiếc ghe nhỏ, mua bán kiếm tiền, còn chồng cô coi sóc nhà cửa và con cái.
Cô Đượm kể tiếp: “Có chuyến đi mấy ngày mới về tới nhà, vất vả lắm nhưng cô biết chú ở nhà còn cực hơn, phải cáng đáng nhiều việc. Cũng nhờ má chồng ủng hộ, phụ dạy các cháu, cô chú thấu hiểu, đồng cảm nên khó khăn nào cũng vượt qua”.
Buôn bán gần chục năm, khi có chút vốn, cô Đượm quyết định ở nhà, cùng chồng cải tạo vườn tược. Giờ đây, cô chú có thể an hưởng niềm vui tuổi già trong ngôi nhà khang trang bên vườn cây ăn trái xanh mướt và “quả ngọt” là 3 người con đều có công việc ổn định, hiếu thảo. Không chỉ đồng lòng xây dựng nếp nhà mẫu mực, vợ chồng cô Đượm còn nhiệt tình tham gia nhiều phong trào ở địa phương, được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.
vochongcoduom
Vợ chồng cô Lê Thị Đượm cùng đồng lòng vun vén, đắp xây cho tổ ấm của mình.
Gần năm nay, từ khi vợ nghỉ việc ở công ty may mặc do ảnh hưởng dịch bệnh, anh Hoài Văn ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo chi tiêu. Tuy vất vả nhưng bù lại con trai 4 tuổi và anh được chăm sóc chu đáo hơn, nhà cửa luôn sạch sẽ, tươm tất. Để bớt gánh nặng chi phí, vợ anh Văn tạm cho con nghỉ đi nhà trẻ, ở nhà với mẹ, chị còn nhận giữ thêm đứa cháu trạc tuổi con trai nên cũng có đồng ra đồng vào.
Anh Văn kể: “Lúc trước, hai vợ chồng cùng đi làm nên ít có thời gian dành cho nhau cũng như chơi với con. Giờ có vợ ở nhà lo trong ngoài, tôi đi làm về luôn có cơm canh nóng sốt, buổi tối cả nhà quây quần bên nhau rất vui. Biết vợ buồn vì công việc nên tôi giữ ý tứ trong ăn nói, không làm vợ tủi thân về chuyện tiền nong. Vợ không đóng góp về mặt vật chất nhưng mang lại cho cha con tôi những điều quý giá hơn nhiều”.
Còn chị Kim Cúc kinh doanh vật liệu xây dựng ở quận Cái Răng có chồng là anh Phong làm nghề tài xế. Thấy chồng thu nhập không cao lại thường đi xa, chị Cúc gợi ý chồng ở nhà phụ giúp gia đình, vừa có điều kiện hỗ trợ vợ vừa đưa rước, chăm sóc các con. Dù cửa hàng là của hồi môn mẹ ruột cho, vốn liếng đổ vào mấy năm nay đều là tiền dành dụm của bản thân nhưng chị Cúc không tỏ thái độ “bà chủ” mà luôn thể hiện sự tôn trọng chồng trước mặt nhân viên. Trong sinh hoạt, chị cũng luôn nhắc nhở các con về vai trò của cha nên con cái đều ngoan, nghe lời cha mẹ. Từ ngày có chồng hậu thuẫn, chị Cúc bớt được nhiều gánh nặng, có thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp, nấu ăn, gia đình thêm ấm cúng.
Chị Cúc kể: “Theo tôi, trong hôn nhân, quan trọng nhất là cách cư xử với nhau trên tinh thần tôn trọng, dung hòa. Như gia đình tôi, nếu tôi không nỗ lực làm lụng, kinh tế gia đình sẽ khó khăn vì trước giờ thu nhập của chồng không cao. Nhưng nếu như không có chồng phụ giúp, tôi cũng không được như hôm nay. Để tạo dựng hạnh phúc, phải có sự vun đắp từ hai phía, không cần câu nệ ai là trụ cột, bởi đóng góp về vật chất hay tinh thần đều đáng quý như nhau”.
Thực tế không phải vợ chồng nào cũng biết cách dung hòa trong xây dựng cuộc sống chung. Có người làm ra tiền nhiều hơn đã mặc định mình là trụ cột chính, phát sinh tâm lý xem thường, không ghi nhận sự đóng góp của bạn đời dù những công việc thường ngày như đưa rước con, nấu ăn, dọn dẹp… mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, nếu như không có sự hậu thuẫn của đối phương, chưa chắc bản thân đạt được thành công khi ra ngoài xã hội.
Hạnh phúc gia đình không phải ở những điều to tát, vĩ đại mà là sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu nhau từ những điều nhỏ bé, giản dị trong cuộc sống hàng ngày. Để gia đình hạnh phúc, nhất định cả chồng và vợ đều phải đồng lòng, cùng nhau chung sức vun đắp. Khi mỗi một thành viên trong gia đình đều là người cùng “giữ lửa”, cùng nâng niu cho tổ ấm thì tổ ấm ấy mới bền vững.