Hợp tác với Amazon, thương gia Việt Nam đạt doanh thu triệu đô

Hợp tác với Amazon, số thương gia bán hàng đạt giá trị ít nhất 1 triệu USD từ Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái, trở thành xu hướng hiệu quả.

Amazon đang tăng cường hợp tác với thương gia Việt Nam.

Amazon đang tăng cường hợp tác với các thương gia Việt Nam, một phần trong chiến lược quy mô lớn của gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ nhằm khai thác các nhà cung cấp ở châu Á.

Hướng đi này đang bắt đầu có hiệu quả khi công ty cho biết số thương gia bán hàng đạt giá trị ít nhất 1 triệu USD từ Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái, khi khách hàng nước ngoài giãn cách tại nhà có nhu cầu mua sắm nhiều hơn.

Amazon từ chối cho biết có bao nhiêu nhà cung cấp Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD, nhưng tiết lộ mức tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các loại hàng hóa như dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và quần áo.

“Các thương nhân Việt Nam đã làm phong phú thêm lựa chọn sản phẩm toàn cầu của chúng tôi”, Gijae Seong, người đứng đầu Amazon Global Selling tại Việt Nam, nói với tờ Nikkei Asia.

Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu quần áo, cà phê và hải sản hàng đầu thế giới, nhưng sự gia tăng của thương mại điện đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng nước ngoài, một xu hướng mà Amazon đang tăng tốc thời gian qua.

Amazon Global Selling, công ty đưa các thương gia quốc tế vào nền tảng này, đã mở nhiều văn phòng ở châu Á từ Trung Quốc đến Thái Lan trong những năm gần đây. Vào tháng 3, công ty thành lập văn phòng tại Hà Nội và bổ sung thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Seong cho biết có nhiều công ty “mang lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất” tại Việt Nam, nơi có làn sóng chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc để tránh chiến tranh thương mại với Mỹ, bên cạnh giảm các chi phí và rủi ro khác.

Việt Nam là nguồn nhập khẩu lớn thứ 11 của Mỹ trong năm 2015, theo số liệu của UN Comtrade. Đến năm 2020, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6.

Trong khi đó, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh khiến người Mỹ mắc kẹt ở nhà đặt mua nhiều hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hơn để làm việc từ xa và giết thời gian.

Dịch bệnh cũng khiến các công ty Việt Nam cởi mở hơn với kinh doanh trên Internet. Một nghiên cứu năm nay từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy 22% doanh nghiệp sử dụng nền tảng thương mại trực tuyến vào năm 2020, tăng so với 13% vào năm 2015.

Bước chân vào thị trường Việt Nam, Amazon cũng có những vấn đề cần xử lý như các nền tảng khác, bao gồm cách giải quyết hàng giả và các chính sách đối với thương gia.

Trương Mạnh Kiên