Mẹ bầu nên bổ sung những loại rau nào?
Một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng không thể thiếu rau xanh. Cùng tìm hiểu những loại rau tốt cho bà bầu nên bổ sung trong bữa ăn hàng ngày.
1. Bà bầu nên ăn rau chân vịt
Rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi. Đây là loại rau có hàm lượng vitamin C nhiều nhất trong các loại rau xanh và là gợi ý trong những loại rau tốt cho bà bầu ba tháng đầu.
Loại rau này có rất nhiều tác dụng đối với sức khoẻ: quản lý bệnh đái tháo đường, giúp hình thành hệ xương, hỗ trợ tiêu hoá, ngăn ngừa các bệnh về mắt, giúp hệ thần kinh thai nhi phát triển khoẻ mạnh… Tuy nhiên chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều, mỗi tuần chỉ cần 1-2 bữa ăn có rau chân vịt là đủ.
2. Bà bầu nên ăn rau đậu bắp
Trung bình nửa chén đậu bắp có chứa 36,5 gam axit folic. Điểm cộng nữa là đậu bắp có rất nhiều chất xơ hỗ trợ tình trạng táo bón và không làm tăng lượng đường trong máu chúng ta. Chính vì thế, bạn nên bổ sung thêm đậu bắp vào thực đơn của mình.
3. Cà chua
Bà bầu nên thường xuyên bổ sung cà chua trong thực đơn dinh dưỡng của mình để giảm stress và chống lão hoá. Các món ăn từ cà chua rất dễ chế biến như salad rau, cá sốt cà, canh cà chua trứng, nước ép cà chua… Bạn cũng có thể sử dụng cà chua để làm đẹp như đắp cà chua với sữa chua không đường, mật ong để làm sáng da, mờ vết thâm….
4. Rau cải chíp
Bên cạnh sắt và canxi, cải chíp giàu cả kali, omega 3 và vitamin có lợi khác. Đây đều là các vi chất cần thiết tốt cho cả mẹ và thai nhi.
5. Bà bầu nên ăn rau cần
Rau cần chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như carotene, axit nicotinic, vitamin B, C, canxi, phốt pho, sắt, giàu chất xơ… Các chất này có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, lợi tiểu, an thần và giảm huyết áp…
6. Rau súp lơ xanh
Trong các loại rau tốt cho bà bầu không thể thiếu súp lơ xanh. Do chứa nhiều sắt và axit folic nên loại rau này vừa hỗ trợ sức khoẻ cho bà bầu, vừa hỗ trợ cho thai nhi phát triển toàn diện. Để chế biến súp lơ xanh bạn nên luộc hoặc hấp chín, xào với thịt bò để giữ nguyên chất dinh dưỡng có trong rau, cung cấp thêm chất đạm cho mẹ bầu.
7. Bí đỏ
Các dưỡng chất có trong thân, hoa, lá, quả của bí đỏ đều tốt cho phụ nữ mang thai. Bạn có thể xào hoặc luộc đọt bí non, hoa bí xào tỏi hoặc thịt bò. Quả bí đỏ nấu canh xương vừa có tác dụng hồi phục thể lực, vừa kích thích được cảm giác thèm ăn cho bà bầu.
8. Atiso
Atiso rất giàu choline, folate, magiê, chất xơ, ít béo và cholesterol giúp bảo vệ thai nhi chống lại nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh, ngăn ngừa trẻ sinh ra nhẹ cân, giảm táo bón khi mang thai, giảm chuột rút và chứng bồn chồn khi mang thai. Cách chế biến đơn giản là bạn hầm bông atiso với chân giò heo để uống nước canh, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.
Ngoài ra, bạn có thể uống trà atiso hằng ngày thay cho nước lọc vừa mát gan, vừa có lợi cho thai nhi.
Các loại rau bà bầu không nên ăn
Ngải cứu: Bà bầu ba tháng đầu ăn nhiều ngải cứu sẽ gia tăng nguy cơ ra máu, co bóp cổ tử cung nên dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
Rau ngót: Rau ngót cho bà bầu sẽ có nguy cơ sảy thai cao do rau có chứa hàm lượng papaverin cao. Các mẹ đã có tiền sử sảy thai thì không nên ăn loại rau này.
Rau răm: Đây là loại rau đứng đầu danh sách những loại rau bà bầu không nên ăn vì có thể gây thiếu máu cho thai phụ, thậm chí là sảy thai, sinh non.
Rau sam: Do có tính hàn khá cao giúp giải độc, thanh nhiệt cơ thể nhưng lại gây kích thích co bóp tử cung ở phụ nữ mang thai, dẫn đến nguy cơ sảy thai cao.
Rau chùm ngây: Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy rau chùm ngây nằm trong danh sách những loại xanh bà bầu không nên ăn. Mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng rau chùm ngây cũng có chứa chất alpha-sitosterol, một loại hormone tương tự estrogen với chức năng ngăn ngừa mang thai, làm co bóp tử cung từ đó dẫn tới sảy thai.
Thu Minh/TH