Ngồi nhà mua đủ loại trái cây mùa vụ với giá ưu đãi

158
Bày bán mua đủ loại trái cây theo mùa, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm, với giá ưu đãi rẻ hơn tại chợ, các gian hàng đặc sản trên sàn thương mại điện tử đang là lựa chọn mới của người tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19.

Vải thiều ngoài chợ đang bán 35.000 – 50.000 đồng/kg, mà nguồn gốc xuất xứ mình không biết chính xác ở đâu. Trong khi trên sàn thương mại điện tử, vải có tem truy xuất nguồn gốc của Thanh Hà (Hải Dương) hay của Bắc Giang chỉ có giá từ 20.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Hà Vân (Q. Ba Đình, Hà Nội) so sánh. Đó cũng là lý do người tiêu dùng chuyển sang mua vải thiều và nhiều loại trái cây trực tuyến thay vì mua trực tiếp tại các chợ truyền thống.  

Trên Voso.vn, vải Thanh Hà loại đặc biệt có giá 129.000 đồng/3kg. Còn trên Sendo.vn, người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn, từ vải thiều sớm Bắc Giang, được bán với giá 48.000 đồng/kg; đến vải thiều u hồng Thanh Hà giá 90.000 đồng/5kg, vải thiều u hồng Thanh Hà loại ngon giá 250.000 đồng/10kg; vải thiều u hồng Thanh Hà loại đặc biệt, giá 405.000 đồng/15kg; vải thiều Sóc Sơn giá 89.000 đồng/3kg. Trên sàn Postmart.vn, vải u hồng, vải trứng gai Thanh Hà đang được bán với giá 185.000 đồng/5kg; vải trứng trắng loại đặc biệt có giá 275.000 đồng/kg; vải thiều u hồng Bắc Giang có giá 190.000 đồng/5kg.

Ngồi nhà mua vải, mận, xoài cùng đủ loại trái cây mùa vụ với giá ưu đãi - Ảnh 1.

Các loại vải thiều đang được bán trên sàn thương mại điện tử

Không chỉ có vải thiều, các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.vn, Postmart.vn hiện đang giới thiệu hàng loạt các loại trái cây theo mùa khắp 3 miền như mận hậu, xoài, bưởi, măng cụt, chuối sứ, bơ, sấu tươi… Hầu hết các sản phẩm đều được bán với mức giá ưu đãi, giảm từ 4% đến 36% để người tiêu dùng lựa chọn. Tùy theo từng chương trình cụ thể, các sàn thương mại điện tử còn áp dụng thêm các khuyến mãi khác như: miễn phí vận chuyển, vận chuyển siêu tốc… để trái cây đến với người sử dụng được tươi ngon và đảm bảo chất lượng.

“Các loại trái cây đều có thông tin đầy đủ về vùng sản xuất, quy trình đóng gói… giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm. Chỉ cần click chuột trên máy tính hoặc chạm trên smartphone người tiêu dùng cũng có thể nhận trái cây tươi ngay tại nhà”, chị Yến Chi (phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội) chia sẻ.

Hỗ trợ trái cây mùa vụ “vượt bão” Covid-19

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các loại trái cây theo mùa. Chính vì vậy, việc đưa các loại trái cây lên sàn thương mại điện tử, bán trực tuyến là một trong những biện pháp kích cầu hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong mùa dịch của các địa phương và Bộ Công Thương.

Ngồi nhà mua vải, mận, xoài cùng đủ loại trái cây mùa vụ với giá ưu đãi - Ảnh 2.

Việc đưa trái cây lên các sàn thương mại điện tử mở ra một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả

Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ trong nước. Bộ Công Thương cũng rất chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mai, kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế.

Việc đưa trái cây nói riêng và nông sản nói chung lên các sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp tạm thời, giúp nông sản “vượt bão” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mà thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp Việt hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngày 21/5, trong Đại hội nhiệm kỳ VIII của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản từ các vùng có dịch sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu, ảnh hưởng lớn đến nông dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh hiện nay Bắc Giang đang là nơi có số ca nhiễm nhiều và có thể tiếp tục tăng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 44.000 tấn thịt lợn, 10.000 tấn thịt gia cầm, gần 17.000 tấn thủy sản, 20.000 tấn rau các loại, 15.000 tấn dứa, 180.000 tấn vải thiều đã vào vụ thu hoạch, 20.000 tấn nhãn, 15.000 tấn na cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8 và các nông sản khác như cam, bưởi, táo… Sản phẩm nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang. Đây là hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong phòng chống dịch.

Bảo Lâm