NSND Thanh Hoa: Ðược yêu, được hát trọn đời

Tôi hỏi “người đàn bà hát”: Chị có bao giờ tiếc vì mình sinh ra hơi… sớm? Không cần ngẫm nghĩ, NSND Thanh Hoa đáp: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trưởng thành ở thời điểm lịch sử mà đất nước cần những ca sỹ như tôi. Có thể chúng tôi thiệt thòi chút ít riêng tư, thiệt thòi về vật chất nhưng tôi tin, trong trái tim của mỗi người Việt Nam đều có góc nhỏ dành cho thế hệ chúng tôi”.

Tiếng hát đi cùng năm tháng

Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Thanh. 16 tuổi, Thanh Hoa học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sau này). 20 tuổi chị tốt nghiệp hệ trung cấp và trở thành ca sỹ của Đài phát thanh Giải Phóng. Nghệ danh Thanh Hoa chính là tên ghép của Thanh Hùng và Ngọc Hoa, hai nghệ sỹ cải lương nhận bà làm em nuôi. Ca khúc đầu tiên do Thanh Hoa thể hiện được phát sóng trên Đài phát thanh Giải Phóng chính là “Cánh chim mùa xuân” (Huỳnh Thơ). Nhắc đến Thanh Hoa của thời Đài phát thanh Giải Phóng phải nhắc tới “Chào đường 9 anh hùng” (Lê Anh Chiến, tức Huy Thục). Đây là thành công vang dội của Thanh Hoa thời kỳ này. “Chung dòng Cửu Long” (Vũ Lê Phú), “Cô gái Pa kô” (Huy Thục)… cũng ghi dấu ấn với tiếng hát Thanh Hoa.

NSND Thanh Hoa khi trẻ

Bà là một trong những nghệ sỹ tham gia chiến trường, phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh: “Đi chiến trường tôi lại hát “Nổi lửa lên em” (Huy Du), hát dân ca các miền. Bộ đội rất thích nghe dân ca. Những chàng trai sinh ra và lớn lên ở miền Bắc thì thích dân ca quan họ “Người ơi người ở đừng về”. Những chàng trai miền Trung lại mê “Giận mà thương”…”, Thanh Hoa nhớ lại. Hồi ức về chiến tranh của “người đàn bà hát” như một cuốn phim đong đầy xúc cảm: “Tôi đi chiến trường khi đã có 2 con, lúc đó tôi đã 24, 25 tuổi. Còn bộ đội thì rất trẻ, song họ toàn gọi tôi bằng em, bởi tôi nhỏ bé. Có nhiều khi tôi hát trong nước mắt. Có những thương binh dù đau đớn vẫn mong được nghe hát. Nhưng có những người lính chịu nỗi đau thể xác quá lớn, tiếng hát cũng không thể xoa dịu. Miệng tôi hát đúng giai điệu “Người ơi người ở đừng về” rồi “đưa anh đi hái măng rừng”… nhưng tâm hồn của tôi không thể để vào bài hát khi chứng kiến sự đau đớn tột cùng của các anh. Tôi từng nghe những tiếng rên rỉ: Đau quá, không nghe đâu. Im đi”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhắc đến hồi ức buồn Thanh Hoa vẫn không kiềm nổi xúc động. Bà nói: “Sự hi sinh của các anh lớn quá. Mỗi khi nghĩ đến các anh tôi lại tự thấy hình như tôi chưa làm được điều gì để đền đáp”.

Có lẽ, bà quên rằng, chính tiếng hát của bà từng là niềm vui, là lẽ sống của bao chiến sỹ trong những thời khắc cam go, sự sống- cái chết mong manh như sợi chỉ? Đến đây, Thanh Hoa nhớ đến một kỷ niệm không thể quên về người lính: “Có ba anh bộ đội tham gia cuộc chiến đấu chính nghĩa ở Campuchia. Họ vẫn nghe được đài của Việt Nam. Hôm đó, tôi hát bài “Tình yêu của đất và nước”, một sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Vân. Ba chàng đố nhau: Trong ba đứa mình, đứa nào nghe được “đôi ta yêu nhau như đất và nước” thì sẽ được là người yêu của Thanh Hoa. Sau đó hai chàng hi sinh, chàng nghe được câu hát ấy nằm lại ở Xiêm Riệp. Người lính còn sống đã kể lại câu chuyện này cho tôi”.

Thấy mình giàu có

Sau năm 1975, Thanh Hoa trở về công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam. Bà xác lập kỷ lục là ca sỹ thu âm nhiều nhất với 478 bản đơn ca, tính cả hợp xướng thì lên đến 1.000 bài. Thanh Hoa tự nhận thiếu sắc, điểm bất lợi để theo nghề ca sỹ: “Khi tôi mê âm nhạc, thích đi học, bố tôi đã bảo: Nghệ sỹ thì nhất thanh, nhì sắc. Con thì “nhất dáng, nhì da” đều hỏng cả, ai bỏ tiền đi xem con? Nhưng con lại đam mê quá, thôi thì học xong chui vào cái loa mà hát, khỏi người ta nhìn thấy. Sau đó, tôi về Đài, đúng là “chui vào loa”. Nhưng là người nghệ sỹ không thể chỉ hát trong loa mà cần tỏa sáng trên sân khấu, dưới ánh đèn. Khi đã có đủ can đảm bước ra sân khấu, tôi không nghĩ đến mình đẹp hay xấu, chỉ nghĩ đến khát vọng được hát. Khi đã lên sân khấu, tôi cũng không nghĩ đến đang diễn cho bao nhiêu người xem,chỉ biết thả hồn vào bài hát”, NSND trải lòng.

Như vợ già trong gia đình

“Tôi nghĩ (có thể sai): Nghệ sỹ phải như tình nhân trong mắt khán giả. Bởi vì bất cứ người đàn ông, đàn bà nào nhìn thấy người mình yêu thì mắt long lanh, cứ muốn nhìn mãi. Còn tôi bây giờ đã thành người vợ già trong gia đình. Nhưng khi đi làm về không thấy người vợ già, người chồng sẽ hỏi các con: Mẹ các con đâu? Nhìn thấy vợ già tuy không xúc động nhưng yên tâm.

“Người đàn bà hát” đã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Bà thấy mình may mắn khi được là diễn viên của Đài tiếng nói Việt Nam. Bởi một nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu chỉ phục vụ vài ngàn khán giả là cao, còn tiếng hát của nghệ sỹ Đài tiếng nói đã len lỏi đến những nơi mà bước chân con người không đến được. NSND Thanh Hoa đặc biệt thành công khi hát những ca khúc ca ngợi Hồ Chí Minh. Bà chia sẻ, trước khi hát luôn tìm hiểu kỹ tác phẩm: “Như nhạc phẩm “Bác Hồ một tình yêu bao la” của Thuận Yến, anh viết lời rất giản dị: “Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà/Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương…”. Tình cảm của Bác với nhân dân như người ông, người cha trong gia đình với con cháu. Chỉ cần đọc lời ca đã thấy sự giản dị, thân thương mà vĩ đại của một vị lãnh tụ. Tôi đã ngồi nói chuyện với nhạc sỹ Thuận Yến rất lâu về ca khúc này cũng như “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Tất cả tác phẩm các anh, chị nhạc sỹ nhờ tôi hát, tôi đều trao đổi kỹ, để biết tác giả muốn gì, rồi mới sáng tạo khi xử lý ca khúc”.

55 năm ca hát, Thanh Hoa được và mất gì? Tôi hỏi. Bà trải lòng: “Tôi nổi tiếng cũng là một sự tự nhiên, chứ không có chiêu trò. Và tồn tại lâu đến thế, cũng là tự nhiên, không một chiêu trò. Tôi thấy mình giàu có vì được yêu nhiều quá. Còn mọi thứ khác, hạnh phúc và bất hạnh chẳng hạn, làm người ai cũng trải qua. Nhưng ở tuổi 70, tôi ra đường vẫn có những người thốt lên: Ôi, lần đầu tiên được gặp chị. Đó là món quà vô giá”. “Người đàn bà hát” từng nói: “Nhất dáng, nhì da, tôi hỏng cả hai nhưng tôi được yêu và được hát trọn đời”. Bà đã được yêu, không chỉ trong đời sống riêng tư mà trong cuộc đời rộng lớn.

Thanh Hoa bên chồng

Một thời gian dài không trông thấy tôi nhiều người hỏi, lâu quá sao không thấy “bà” Thanh Hoa hát? Khi tôi hát thì người ta vẫn trầm trồ khen ngợi. Tôi hiểu, sự yêu quí của mọi người dành cho tôi thân thiết như người vợ già trong gia đình vậy”, tâm sự của “người đàn bà hát”.

Theo nữ nghệ sỹ: Nổi tiếng đã khó nhưng giữ được uy tín trong sự nổi tiếng ấy bao lâu còn khó hơn. Người nghệ sỹ muốn giữ được tình yêu thương của khán giả với mình thì cũng phải trả giá cho sự đam mê ấy.

TH