Sự khác biệt về dinh dưỡng của các loại trứng

171

Để hiểu rõ các loại trứng này khác nhau như thế nào, hãy theo dõi ngay những phân tích cơ bản về hàm lượng dinh dưỡng của chúng trong bài viết dưới đây. 

So sánh thành phần dinh dưỡng của các loại trứng

Giá thành của các loại trứng có sự khác biệt lớn dẫn đến sự lầm tưởng cho người tiêu dùng, đó là dinh dưỡng của chúng chênh lệch nhiều. Thực tế, chi phí chăn nuôi, sản lượng mới là những yếu tố quyết định giá cả. Sự khác nhau trong thành phần dinh dưỡng của các loại trứng này chính là một số điểm nổi bật dưới đây.

Chất đạm có trong mỗi loại trứng

Hàm lượng protein giữa trứng gà, trứng vịt và trứng cút chỉ có sự khác biệt rất nhỏ. Theo số liệu từ các chuyên gia dinh dưỡng, lượng đạm trong 3 loại trứng trên xấp xỉ 13g/100g, trong đó loại trứng có protein thấp nhất là trứng gà với hàm lượng khoảng 12g/100g.

Về trứng ngỗng, có khá nhiều lời truyền miệng dân gian nói về những lợi ích của loại trứng này với sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Hầu hết các ý kiến cho rằng, trứng ngỗng có hàm lượng đạm lớn hơn, có thể giúp mẹ và bé khỏe hơn, thai nhi phát triển não bộ. Tuy vậy, thực tế, hàm lượng protein trong trứng ngỗng chỉ là 14g/100g, dù không có sự chênh lệch nhiều nhưng không thể phủ nhận rằng, trứng ngỗng là loại trứng có nhiều đạm nhất.

so sánh các loại trứng

Trứng ngỗng chứa hàm lượng protein cao hơn các loại trứng còn lại

Chất béo

Hàm lượng chất béo xấu và cholesterol có trong thực phẩm luôn là yếu tố các bà nội trợ đặc biệt quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe các thành viên trong gia đình. Theo phân tích thành phần, trứng gà, trứng cút có ít chất béo hơn trứng vịt, trứng ngỗng nên khi thưởng thức sẽ hạn chế được chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Ngoài ra, trứng vịt và trứng ngỗng còn có hàm lượng cholesterol xấu cao hơn hai loại trứng còn lại nên người bệnh huyết áp, tim mạch nên hạn chế ăn.

Vitamin

Ngoài hàm lượng đạm dồi dào, các loại trứng còn chứa rất nhiều vitamin khác nhau. Cụ thể, tổng số đơn vị vitamin D trong 4 loại trứng lên đến 80 đơn vị. Về sự khác biệt trong hàm lượng vitamin, trứng ngỗng và trứng vịt chứa nhiều B12 hơn trứng gà và trứng cút. Ngoài ra, trứng gà có nhiều vitamin A hơn trứng vịt nhưng lại ít vitamin B1 hơn trứng cút. Có thể thấy, trứng cút tuy có kích thước nhỏ hơn nhưng dinh dưỡng lại chẳng kém cạnh gì các loại trứng khác.

Khoáng chất

Trong trứng chứa nhiều loại khoáng chất thiết yếu cho cơ thể dù hàm lượng không nhiều. Với một nguyên tố quan trọng như sắt, hàm lượng trung bình chỉ khoảng 1,8mg/100g. Về kẽm, hầu hết các loại trứng không có sự khác biệt nhiều, hàm lượng dao động từ 1,3 – 1,6%, ngoại trừ trứng gà có nhiều kẽm hơn.

Tiếp đến, canxi cũng là thành phần được các bà nội trợ quan tâm khi mua trứng bởi nó giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của hệ xương khớp. Nếu muốn tìm mua loại trứng giàu canxi, bạn nên chọn mua trứng vịt hoặc trứng cút bởi nó có hàm lượng canxi trung bình khoảng 60mg/100g.

Calorie

Lượng calorie có trong trứng vịt cung cấp cao hơn hẳn 3 loại trứng còn lại khi nạp cùng một trọng lượng như nhau. Cụ thể, 100g trứng vịt cung cấp 185 calorie trong khi con số này ở trứng cút, trứng ngỗng và trứng gà là 164 calorie, 161 calorie và 149 calorie.

protein có trong các loại trứng

Trứng vịt có hàm lượng calorie cao nhất trong khi con số này ở trứng gà thấp nhất

Lưu ý khi thưởng thức các loại trứng

Trong trứng có thành phần chất béo và cholesterol nên chúng ta cần lưu ý ăn theo khuyến nghị dưới đây để đảm bảo sức khỏe tim mạch, huyết áp không bị ảnh hưởng. Các vấn đề như tăng cân, thừa chất, béo phì sẽ không xảy ra. Tùy theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bạn có thể tham khảo định mức tiêu thụ trứng dưới đây để có chế độ ăn uống khoa học.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Không ăn quá 3 lần một tuần, khẩu phần cho mỗi bữa không quá nửa lòng trắng hoặc nửa lòng đỏ. 
  • Trẻ trên 7 tháng tuổi: Mỗi bữa được phép ăn tối đa nửa lòng đỏ trứng. Trường hợp trứng có kích thước quá to, mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng ¼ đến ⅓ lòng đỏ. 
  • Trẻ từ 8-10 tháng tuổi:Mỗi bữa có thể ăn tối đa 1 lòng đỏ. 
  • Trẻ từ 10-12 tháng tuổi: Mỗi bữa ăn có thể tiêu thụ tối đa 1 quả trứng, nên cho bé ăn cả lòng trứng và lòng đỏ.
  • Trẻ từ 1-2 tuần: Có thể cho bé ăn cách bữa, tối đa 3-4 quả trứng 1 tuần. 
  • Người lớn: Tùy theo cách cân đối các nhóm chất trong bữa ăn thì có thể tiêu thụ 1-2 quả trứng một bữa và nên ăn dưới 4 bữa trứng trong tuần. 
  • Người bệnh tim mạch, huyết áp cao: Chỉ nên ăn trứng từ 1-2 bữa trong tuần, mỗi bữa không nên ăn quá 1 quả. 

Hướng dẫn chọn mua trứng an toàn

Để đảm bảo sức khỏe, khi chọn mua trứng, bạn cần quan tâm đến những vấn đề sau:

– Chọn mua trứng sạch, phần vỏ thô ráp nhẹ nhưng không có nhiều tạp chất bẩn bám xung quanh.

– Tìm nơi mua chất lượng như siêu thị lớn hay chợ nông sản uy tín.

– Khi mua để ý xem trứng còn nặng hay không, khi cầm thấy nặng có nghĩa là trứng vẫn còn mới, vẫn giữ hàm lượng dinh dưỡng trọn vẹn.

– Có thể lắc nhẹ quả trứng, nếu không có âm thanh nghĩa là trứng còn tươi mới.

cách chọn trứng

Nên chọn trứng tươi với phần vỏ không bị nứt hay xây xát

Nhìn chung, mỗi loại trứng đều mang những lợi ích nhất định đối với sức khỏe và sự phát triển thể chất. Qua những phân tích về hàm lượng dinh dưỡng cụ thể trên đây, hy vọng bạn đọc đã biết được những loại trứng này khác nhau như thế nào. Trứng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chúng ta nên ăn có chừng mực, tránh ăn nhiều dẫn đến tình trạng thừa đạm, cholesterol, có thể gây ra nhiều nguy cơ cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao. Ngoài ra, để tăng cường thể chất, nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm chắc chắn sẽ không đủ, bạn nên có kế hoạch tập luyện phù hợp và lâu dài.

Ôn Tuyền