THÊM NHIỀU MẶT HÀNG NÔNG SẢN ĐƯỢC ĐƯA LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

143
HÊM NHIỀU MẶT HÀNG NÔNG SẢN ĐƯỢC ĐƯA LÊN SÀN
Chớm hè cũng là thời điểm vào mùa vụ thu hoạch của một số loại trái cây như mít Thái, dưa hấu, thanh long, vải thiều… Tuy nhiên, việc tiêu thụ các loại mặt hàng đang vào vụ thu hoạch của các hộ nông dân nhỏ lẻ đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như giá mít Thái tại Đồng bằng Sông Cửu Long hay dưa hấu tại Quảng Bình liên tục giảm, việc thu mua có xu hướng cầm chừng, thương lái không mặn mà…
Để hỗ trợ người nông dân các tỉnh tiêu thụ nông sản, các sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp như Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), Voso (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel-Viettel Post)… đã vào cuộc đưa các mặt hàng nông sản lên sàn.
Cụ thể từ ngày 10/5, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã khởi động chiến dịch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ. Bên cạnh các mặt hàng như vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình, hiện Bưu điện Việt Nam đang phối hợp đưa mít Thái lên sàn Thương mại điện tử Postmart. 
Cùng với Vietnam Post, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng đã vào cuộc đưa nhiều mặt hàng nông sản lên sàn để hỗ trợ người nông dân tiêu thị hàng hóa.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử Bưu chính Viettel cho hay, đang đồng hành cùng tỉnh Sóc Trăng triển khai hỗ trợ bà con nông dân bán hành tím trên sàn Vỏ Sò. Trong tháng 5, Voso cùng với tỉnh Hải Dương triển khai đưa Vải Thanh Hà lên sàn bán với số lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 80- 100 tấn. Tất cả các nhân viên kinh doanh của Viettel Post khi đi tiếp xúc khách hàng sẽ giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà, đến thị trường cấp 2 tại xã, huyện trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc vải Thanh Hà sẽ được giới thiệu tới hơn 15 triệu khách hàng của đơn vị này.
CHUYỂN ĐỔI SỐ NÔNG DÂN, TIẾP CẬN PHƯƠNG THỨC BÁN HÀNG MỚI
Đại diện sàn Voso thông tin sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các địa phương để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các trang trại, Hợp tác xã để đưa trái cây đặc sản vùng miền lên sàn…
Chia sẻ về việc đưa nông sản lên sàn để tạo ra kênh bán hàng mới, kết nối cung- cầu hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm vào mùa thu hoạch, ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển Thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, kế hoạch đặt ra sẽ đưa nông sản ở tất cả các tỉnh trên cả nước lên sàn Postmart. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, đơn vị sẽ sử dụng lực lượng nhân sự bưu điện tại các tỉnh, huyện trực tiếp làm việc hỗ trợ người nông dân đưa các sản phẩm nông sản lên sàn.
Từ thực tế triển khai cho thấy đối với những đơn vị hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ, việc đưa nông sản lên sàn khá thuận lợi. Một số hộ dân đã khá thành thạo với việc này và thậm chí đã bán trên mạng xã hội như facebook. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc chưa bao giờ thao tác bán hàng trên mạng cũng như sàn. Do đó, nhân viên của bưu điện vẫn phải hỗ trợ người dân thao tác đưa nông sản lên sàn.
Ông Lê cho biết trong thời gian qua, sàn đã tiếp cận chủ yếu với các đơn vị tập thể, hợp tác xã nhưng trong thời gian tới sẽ hướng tới đẩy mạnh áp dụng mô hình chuyển đổi số cho các hộ gia đình, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.
Còn với sàn Voso, các chi nhánh trên toàn quốc cùng vào cuộc đồng hành với chính quyền địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn cách bán hàng online để bà con nông dân có thể tự làm chủ, để mở ra một kênh bán hàng mới trên các sàn thương mại điện tử cũng như trên mạng xã hội
Như vậy đến nay đã có một số sàn thương mại điện tử tham gia bán nông sản. Theo các chuyên gia, sự tham gia của các sàn vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là phù hợp với xu thế phát triển. Bán hàng đa kênh là một xu thế của thương mại điện tử. Theo đó, người nông dân có thể đẩy nông sản lên nhiều sàn, bán trên trên nhiều kênh khác nhau cả truyền thống và online như Voso, Postmart, Lazada và Facebook, Zalo… Khi hàng hóa được bán trên nhiều kênh khác nhau sẽ mở rộng cơ hội tiếp thị quảng bá nông sản và người tiêu dùng cũng có nhiều kênh lựa chọn, thúc đẩy mức độ tiêu thụ.
Trước mắt việc đẩy hàng lên mạng chỉ là phương án “giải cứu” mang tính tình thế khi các nông sản đến mùa vụ nhưng ùn ứ không tiêu thụ được vì dịch bệnh. Nhưng trong tương lai, khi người nông dân có nguồn cung ổn định nếu được trang bị thêm mô hình số, kỹ năng bán hàng trực tiếp thì không chỉ cung cấp đến tay người tiêu dùng cuối mà còn có thể bán theo hợp đồng lô lớn, được đặt trước theo kỳ hạn và thậm chí có thể đấu giá hàng hóa trên sàn để lựa chọn những đơn vị thu mua trả giá cao.
Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng người nông dân bị thương lái ép giá.
Thùy Linh