Trà hoa hồng: Bí quyết khỏe đẹp của các quý cô

Bạn muốn thưởng thức trà chiều một cách tao nhã như các quý cô người Anh ngày xưa? Hãy thử chọn loại trà hoa hồng kiêu sa vừa giúp làm đẹp tự nhiên lại rất tốt cho sức khỏe nhé!
Hoa hồng không chỉ có tác dụng trang trí mà còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe của bạn. Với nhiều vitamin C và khoáng chất, loại trà hoa này chính là một thảo dược có thể mang lại cho bạn nhiều lợi ích. Vậy cụ thể, trà hoa hồng có tác dụng gì?
Tác dụng của trà hoa hồng
Hoa hồng có chứa chất oxy hóa tự nhiên có thể chữa lành các tổn thương trong tế bào và bảo vệ cơ thể tránh khỏi nhiều căn bệnh nghiêm trọng.
1. Trà hoa hồng làm đẹp da
Cánh hoa hồng có chứa rất nhiều vitamin A và E có thể giữ ẩm và làm săn chắc da, hạn chế sự xuất hiện của quầng thâm và nếp nhăn. Ngoài ra, hoa hồng còn là nguồn cung cấp vitamin C vốn được biết đến với đặc tính chống oxy hóa. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng vitamin được hấp thụ qua thực phẩm tốt hơn nhiều so với nguồn vitamin C bằng viên uống. 
Uống trà hoa hồng hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, loại protein giúp da và tóc khỏe đẹp. Loại trà này cũng có chứa chất kháng viêm và ngăn ngừa vi khuẩn hình thành mụn trứng cá. Các tinh chất trong trà cũng có thể cải thiện tình trạng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hay trị da bị dị ứng và đỏ rát.  

Llà một liệu pháp làm đẹp da tự nhiên, giúp bạn giảm dấu hiệu của lão hóa da.

2. Hỗ trợ giảm đau bụng kinh
Một nghiên cứu năm 2005 đã tìm thấy lượng chất kháng viêm của trà hoa hồng có tác dụng tích cực trong việc điều trị các triệu chứng khó chịu khi bạn đang ở vào giai đoạn kinh nguyệt, đặc biệt là đau bụng kinh. 
Một nghiên cứu đã tiến hành trên các trẻ em gái vị thành niên trong vòng 6 tháng. Một số em được cho uống 2 tách trà hoa hồng mỗi ngày trong khoảng 1 tuần trước chu kì hành kinh đến ngày thứ 5 sau khi có kinh. Các em này cho biết cảm giác đau và căng thẳng giảm hẳn so với các em còn lại chỉ trong vòng 1 tháng điều trị.

Trà hoa hồng rất an toàn mà lại hữu hiệu trong việc chữa trị các triệu chứng gây khó chịu trong giai đoạn kinh nguyệt của chị em phụ nữ.

3. Chữa đau họng và cảm cúm
Một tách trà hoa hồng chính là giải pháp tự nhiên hữu hiệu giúp chữa trị cơn đau họng và các triệu chứng cảm cúm thông thường. Lượng vitamin C trong hoa hồng còn nhiều hơn cả trong cam và chanh. Vitamin C có trong trà có thể chống viêm và làm dịu cơn đau.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên bạn nên uống 3 – 4 tách trà hoa hồng mỗi ngày vào đầu mùa xuân và mùa thu để tránh bị cảm cúm. Trong loại trà này có chứa rất nhiều vitamin B1, B2, K, beta-carotene cùng các hoạt chất như bioflavonoid, tannin và pectin giúp chống lại nhiễm trùng và giảm viêm.

Chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống nhiễm trùng.

4. Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Trà hoa hồng kích thích quá trình sản xuất mật, giúp cải thiện chức năng ruột và tiêu hóa chất béo, thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột. Chất pectin trong trà có khả năng liên kết với chất béo và cholesterol trong ruột, nhờ đó loại bỏ chúng trước khi cơ thể hấp thụ.
Trà hòa hồng còn có thể sử dụng như một liệu pháp tự nhiên để điều trị táo bón, tiêu chảy và kiết lỵ.

Là một chất hỗ trợ tiêu hóa an toàn, được chứng minh là đặc biệt có hiệu quả trong việc tiêu hóa chất béo và thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn trong ruột.

5. Trà hoa hồng giúp giảm cân
Trà hoa hồng chứa lượng calo thấp và có công dụng giúp tăng cường trao đổi chất. Nhờ đó có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể và ngăn không cho mỡ tích tụ ở các cơ quan nội tạng. Cơ thể bạn sẽ đốt cháy nhiều chất béo hơn và bạn có thể đạt được cân nặng lý tưởng mà mình đang hướng tới.
Trà hoa hồng là loại thức uống lành mạnh có thể thay thế cho các loại thức uống có đường khác vốn không tốt cho sức khỏe của bạn. Thói quen duy trì uống trà đều đặn có thể giúp bạn giảm được cân nặng một cách đáng kể.

Thói quen uống trà hoa hồng giữa các bữa ăn vừa giúp bạn cải thiện chức năng hệ tiêu hóa vừa làm giảm cảm giác đói bụng, giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn.

6. Trà hoa hồng giảm căng thẳng
Loại trà hoa này cũng có thể được sử dụng để làm giảm lo lắng, căng thẳng và cải thiện các triệu chứng bệnh trầm cảm. Đối với những người bị trầm cảm, trà có thể xem như một phương thuốc điều trị hiệu quả mà lại ít gây tác dụng phụ.
Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng trầm cảm nhưng thức uống thơm nhẹ này có thể được xem như một phần của quá trình trị liệu. Tác dụng của hoa hồng là thư giãn để bạn có thể ngủ ngon hơn.

Là một phương pháp điều trị tự nhiên giúp giảm căng thẳng và lo lắng, có thể được sử dụng trong một kế hoạch điều trị trầm cảm lâu dài ít gây tác dụng phụ.

7. Ngăn ngừa viêm khớp
 
Viêm khớp có thể dẫn đến cơn đau mãn tính. Một nghiên cứu năm 2015 đã kết luận rằng khả năng chống viêm của trà hoa hồng có thể gần tương đương với loại thuốc chống viêm steroid NSAIDs trong điều trị viêm khớp.

Là một chất lợi tiểu tự nhiên, giúp loại bỏ nước tích tụ trong các mô gây viêm và cơn đau kéo dài. Uống 2 tách mỗi ngày có thể giảm đau và kháng viêm do viêm khớp.

8. Giúp ngăn ngừa ung thư
Các nhà khoa học đã xác định được trà hoa hồng có thể ngăn chặn các đột biến gen, tác nhân gây ung thư. Một nghiên cứu năm 2013 đã cho thấy đặc tính chống đột biến của chiết xuất hoa hồng có được là do hàm lượng anthocyanin cao trong cây. Ngoài hoa hồng thì việt quất, mâm xôi và đậu nành đen cũng có chứa lượng anthocyanin cao.
Trà hoa hồng còn chứa loại chất chống oxy hóa EGCG, catechin và polyphenol, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do, nguyên nhân gây ung thư. Các chất chống oxy hóa mạnh có thể tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh.

Chất chống oxy hóa mạnh có trong trà hoa hồng có tác dụng ngăn chặn các đột biến gen có thể gây ung thư.

Cách chọn hoa làm trà hoa hồng
Trà hoa hồng có thể làm từ hoa khô hoặc hoa hồng tươi. Đối với hoa hồng khô, bạn nên lựa chọn sản phẩm từ nhà sản xuất có uy tín và chú ý đến hạn sử dụng. Còn đối với hoa hồng tươi, bạn nên lưu ý đến cách chọn hoa để pha trà ra nước ngon nhất.
Đối với hoa hồng mua
Bạn có thể chọn hoa hồng damask và hoa hồng leo thường được sử dụng để làm các loại nước hoa hồng và tinh dầu hương hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn hoa hồng vàng và cả hoa hồng trắng trong công thức nấu trà của mình, còn hoa hồng đỏ (hồng nhung) thường có ít vị hoa và mùi hương cũng quá nồng.

Bạn có thể chọn nhiều loại hoa hồng khác nhau tùy theo sở thích. Hãy lưu ý tránh chọn phải những bông hoa đã bị phun thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác bởi chúng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

Đối với hoa hồng tự trồng
Nếu bạn có trồng hoa hồng, thời điểm tốt nhất để thu hoạch hoa là vào giữa sáng, sau khi sương sớm tan và trước nắng trưa gay gắt. Sau khi lựa chọn hoa, hãy cắt bỏ phần nhỏ màu trắng ở dưới cùng của mỗi cánh hoa. Phần này thường có vị đắng và có thể làm mất vị ngon của trà.

Nếu bạn cần sử dụng hoa hồng tươi để pha trà hoa hồng thì tốt nhất là nên sử dụng hoa trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi đã hái khỏi cành.

Cách làm trà hoa hồng
Có nhiều công thức pha trà hoa hồng đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà để cho ra một tách trà thơm ngon mà lại tốt cho sức khỏe.
1. Cách làm trà hoa hồng từ hoa tươi
Nguyên liệu cần chuẩn bị
  • 5 bông hoa hồng
  • Mật ong hoặc đường
  • Nước sạch
Cách thực hiện
Bước 1: Hoa hồng sau khi mua về, bạn tách ra từng bông và ngâm trong chậu nước muối để làm sạch bụi bẩn. Sau đó, bạn phải rửa lại thật sạch dưới vòi nước để loại bỏ hết muối còn sót lại trên cánh hoa. Khi rửa, bạn nên nhẹ nhàng để tránh làm cánh hoa bị dập. 
Bước 2: Bạn phơi hoa hồng ra rổ để cho ráo nước nhưng nhớ phải tránh ánh sáng mặt trời quá gắt vì sẽ làm hoa bị ngả màu.
Bước 3: Sau đó, bạn cho hoa hồng đã phơi khô vào nồi và đổ nước vào sấp mặt.
Bước 4: Bạn nấu nồi nước hoa hồng trong khoảng 5 phút sau đó tắt bếp và đổ ra bình chứa.
Bước 5: Khi uống, bạn có thể thêm mật ong vào và thưởng thức. Trà hoa hồng có thể uống nóng hoặc thêm đá lạnh vào tùy sở thích.
2. Cách làm trà hoa hồng từ nụ hoa khô
Nguyên liệu cần chuẩn bị
  • 10g gừng
  • 15ml mật ong
  • 1 gói trà túi lọc
  • 15g nụ hoa hồng
  • Nước sạch
Cách thực hiện
Bước 1: Gừng bạn rửa sạch, cạo vỏ và thái thành từng lát mỏng.
Bước 2: Bạn cho nước sạch vào ấm đun sôi, sau đó rót nước sôi vào ly thủy tinh để ngâm trà túi lọc trong khoảng 2 phút rồi lấy ra để lấy nước.
Bước 3: Bạn cho gừng và nụ hoa hồng khô vào trong ấm trà, ngâm trong khoảng 8 – 10 phút cho ra nước.
Bước 4: Khi uống, bạn rót trà ra tách rồi cho thêm chút mật ong vào và khuấy đều lên. Nếu thích, bạn có thể cắt thêm một lát chanh cho vào tách trà và uống nóng hoặc uống lạnh đều được.
3. Cách làm trà sữa hoa hồng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
  • 4 gói trà túi lọc
  • 10 nụ hồng khô
  • 200ml sữa tươi có đường
  • 2 muỗng cà phê đường nâu
Cách thực hiện
Bước 1: Bạn hòa tan 2 muỗng cà phê đường nâu vào 800ml nước sôi, sau đó ngâm 4 gói trà túi lọc và 10 nụ hoa hồng trong khoảng 10 phút để tạo mùi hương cho trà.
Bước 2: Tiếp theo, bạn bắc nồi lên bếp để đun sữa tươi. Trong lúc đun, bạn nhớ dùng phới lồng đánh đều cho sữa nổi bọt trong khoảng 3 – 4 phút là được.
Bước 3: Bạn đổ phần cốt trà vào sữa mới chuẩn bị và khuấy đều.  
Bước 4: Trước khi uống, nếu thích bạn có thể làm thêm lớp bọt sữa (milk foam) lên trên mặt và rải cánh hoa hồng lên trên cho đẹp mắt. Thức uống này sẽ ngon hơn khi bạn uống lạnh.

Trà hoa hồng được coi là một thức uống an toàn và không có tác dụng phụ nào. Tuy vậy, bạn vẫn nên sử dụng trà theo một liều lượng vừa phải. Để đạt được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng trà hoa hồng, bạn nên uống từ 1 đến 3 tách trà hoa hồng mỗi ngày.