Truyện ngắn: Duyên nợ sóng gió

131
Sóng biển dập dềnh lắc lư chiếc phao, Tư quẹt mồ hôi trên trán, cố lấy sức mạnh từ đôi tay, kéo sợi dây sắt bè cá buộc vào vồ đá, rồi dùng kềm bẻ quặp đầu dây sắt cho thật an toàn. Anh cẩn thận xem lại bốn sợi dây trì níu bè cá vững vàng, rồi bơi vào bờ.
Bóng chiều ngả dài trên biển, ngày kết thúc, Tư nằm dài trên cánh võng sau một ngày làm việc cật lực. Đôi bàn tay nhăn nheo vì cả ngày dầm nước, nhưng anh vui khi công việc kéo dài cả tháng qua đến nay coi như xong. Tư tự chọn một nơi để dựng nhà, chính giữa nhà có khối đá tự nhiên bằng phẳng giống như bộ ngựa. Kế bên có mắc cái võng, nằm ở đây, vén vách nhìn được ra phía biển, thấy bè nuôi cá nép bên vồ đá cao. Thời tiết khắc nghiệt mùa mưa bão của biển đã dạy cho Tư kinh nghiệm làm bè, cũng như học đọc dấu hiệu từ chim, cá… để dự báo gió bão.
Từ sau Tết đến nửa tháng ba âm lịch, dân cư ở hòn Chuối xem khoảng thời gian này là “mùa xuân của biển”. Những ngày này biển lặng yên, có thể đi ghe tàu loại nhỏ vô ra đất liền an toàn. Còn qua tháng này thì hòn cách biệt với đất liền bởi sóng gió. Nhiều người thắc mắc vì sao dân đất liền như Tư lại gắn bó với hòn Chuối ngót mười lăm năm qua. Chỉ có Tư lặng lẽ biết, đó là do đôi mắt và nụ cười rạng rỡ của Thu đã quấn lấy anh trong một ngày định mệnh.
* * *
Năm đó Thu 17 tuổi, từ Hòn Chuối vô bán cá cho vựa ở Sông Đốc. Tư là cháu của dì Hai chủ vựa, được dì nuôi từ nhỏ, coi như con ruột. Sau khi mua bán xong, dì Hai thấy Thu nhanh nhẹn vui vẻ nên nói chơi: “Con mà chịu về làm dâu nhà dì, chắc nhà mình làm ăn phát đạt lắm! Thằng Tư con trai dì cũng siêng năng, giỏi giắn”. Thu nhìn Tư cười cười, nói: “Không được dì ơi, ba con khó lắm, chỉ bắt rể thôi!”.
Tư lúc đó không nói gì, lặng lẽ vào buồng trong, chợt thấy chiếc áo của Hương còn sót lại treo ở kẹt vách, lòng buồn mênh mang. Nhiều người khuyên Tư đi tìm gặp Hương, tận mặt hỏi vì sao mới cưới vài tháng, Hương đã lặng lẽ bỏ đi? Tư không làm theo. Tìm gặp để làm gì, có thể sống lại với nhau được không? Người đã quay lưng rồi, Tư có buồn thương cũng không nối lại được đoạn tình cảm đã đứt. Sự dứt tình đột ngột và không một nguyên nhân của Hương đã để lại một nỗi sợ lớn trong Tư, khiến anh không dám thừa nhận tình cảm mới chớm với Thu.
Ai ra hòn dì Hai cũng nhắn Thu vô chơi. Thu vô thăm dì Hai cũng với nụ cười vô tư và đôi mắt trong veo. Nhiều lần theo lời dì Hai căn dặn đi đón đưa Thu ở bến tàu, Tư ngày càng quyến luyến, bịn rịn mỗi khi xa đôi mắt và nụ cười của Thu. Sau hơn hai năm lui tới giữa hòn Chuối và Sông Đốc, trong một lần ở bến tàu, Thu buồn buồn nói: “Ba má em không cho tới lui như vầy nữa, vì em đã gần 20 rồi, không thể vô tư nữa. Nên lần này trở ra hòn, em sẽ khó đến thăm dì Hai…”. Tư chợt thấy nghẹn ngang lồng ngực. Anh chỉ nói được câu: “Em chờ anh. Đến mùa chuyển gió, anh sẽ ra hòn”…
Khi về nhà, Tư lúc thì dàu dàu tự trách mình nhút nhát bấy lâu mà không nghĩ đến sự khó xử của Thu, rồi anh lại lo lắng lời nói của mình bị gió cuốn trôi đi khiến Thu không nghe được. Dì Hai thấy vậy nói: “Còn duyên nợ thì còn gặp. Huống chi ngó bộ bây lúc này thương con nhỏ dữ rồi, vượt qua được chuyện buồn cũ rồi. Thương con nhỏ thì bây lập tức ra ngoài đó tìm hiểu cuộc sống, xin gặp gia đình người ta thử coi, chớ cần gì chờ mùa chuyển gió…”.
Vậy là lập tức hôm sau Tư quá giang tàu đánh cá ra hòn. Thời gian ngồi tàu anh nghe ngóng thêm, gộp với những câu chuyện đã nghe Thu kể, hình dung ra hòn Chuối, nơi có chừng hơn 30 hộ dân sống bằng nghề biển, nuôi thủy sản. Từ Sông Đốc ra hòn Chuối 17 hải lý, rất gần đất liền với mùa biển lặng, nhưng cũng rất xa vào mùa mưa bão. Lúc đó mỗi tuần chỉ có vài chuyến tàu hoặc ghe đánh cá từ đất liền ra. Mọi sinh hoạt của cư dân ở đây đều dựa vào thời tiết. Từ tháng 3 âm lịch đến tháng 9 phải dời nhà về gành Chướng để tránh gió Nam và ngược lại từ tháng 9 đến tháng 3 phải dời về gành Nam để tránh gió Chướng. Mỗi lần dời rất tốn công, nhất là phải kéo bè cá đi…
Tư vừa nghe người ta kể chuyện ở hòn, tay vừa đút vô túi quần thăm lại cặp nhẫn vàng 24 mà dì Hai đã chuẩn bị cho anh từ lâu. Tàu còn cách hòn vài cây số, Tư đã nhận ra vách đá dựng đứng rong rêu như dáng một chiến hạm giữa biển và chòm nhà mái tôn, lều bạt liền kề nhau phản chiếu dưới nắng một màu sáng đục. Lòng Tư chợt hoang mang, không biết ý Thu ra sao nếu anh nói thương và muốn cưới cô…
Chân Tư vừa chạm bãi cát, người ở hòn thấy tàu đánh cá ghé là mừng lắm, ai cũng nhìn, cũng đón. Tư nhìn thấy Thu từ xa đi như bay đến và nghe giọng nói giòn tan của cô: “Em có linh tính là anh sẽ ra sớm hơn dự định”. Tư nhìn đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ của Thu, anh thấy an tâm, mọi lo ngại vu vơ tan biến trong nắng. Anh sóng bước cùng Thu đến nhà cô, gần đến nhà, Tư kéo Thu đi chậm lại, ấp úng nói khẽ: “Anh chưa lần nào nói với em, nhưng mà chắc là em biết rằng anh thương em nhiều lắm. Anh ra hòn lần này là để xin ba mẹ em cho phép anh làm đám cưới với em…”
* * *
Một ngày biển nắng ấm, Tư đứng dang chân chữ đinh, thân mình chùn xuống để chịu lực chiếc đòn gánh cá nặng cả trăm ký, nhưng Tư không cảm thấy nặng chút nào, cứ trông cho mỗi gánh càng nhiều cá, gánh cả buổi cả ngày càng tốt! Vì mỗi gánh cá đưa anh tới tương lai: con được học hành, có tàu ghe, thêm số vốn để mở rộng làm ăn… Thu cười nói khẽ bên tai anh: “Năm mươi tấn cá anh ơi, vụ này ít hao hụt, cá lớn nhanh như ý, mình lời gấp đôi dự định”.
Con gái lớn của Tư và Thu đã được gởi về Sông Đốc ở với dì Hai để đi học cấp hai. Đứa kế là con trai giống Tư như đúc, chuẩn bị vô lớp 1. Ban đầu khi Tư và Thu mới cưới, dì Hai luôn trông chờ tin tức từ hòn Chuối từng ngày, mong Tư và Thu trở ra Sông Đốc ở với dì. Nay thì dì Hai đôi lúc chép miệng nói với con gái của Tư và Thu:
– Thằng cha mày mê hòn, mê cá quá rồi…
Những buổi chiều biển động, Tư và Thu cùng con trai rút vô căn nhà bình yên của mình, cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng hổi. Bên ngoài tiếng gió rít trên những mỏm đá nghe lạ lẫm. Tư nghe và biết gió sắp chuyển mùa biển bình yên.
Theo Baocantho.com.vn