Truyện ngắn: Phận tầm gửi

321

Về làm dâu nơi mảnh đất này, có ngày nào mẹ tự nghĩ cách giải thoát cho số phận của mình không? Hay mẹ không biết như thế là bị kìm kẹp, thua thiệt, bất công. Mẹ luôn tự hào về anh em nó. Trong mắt mẹ, chồng mình đẹp trai, tài giỏi, tri thức. Bao nhiêu cái thanh cao thuộc về ông ấy. Bao nhiêu cái nhem nhuốc, thô kệch thuộc về mẹ. Chả thế, ông được cử đi Liên Xô học. Mở mày mở mặt cả dòng họ. 

Ông đi học kiểu gì mà sau mấy năm trời trở thành ông bố nghèo rớt mồng tơi, vác tấm thân nà nuột về bên mẹ con nó, không một xu dính túi. Mẹ vì sĩ diện với họ hàng nên tất tưởi chạy đi mua mấy đùm quà cho ông xách đến nhà mọi người tặng. Không biết xấu hổ, ông đóng bộ đẹp đẽ, quần tây, áo sơ mi trắng, đuề huề gặp họ hàng. Đến nhà nào cũng khoe về trời tây lộng lẫy.

 Minh họa: HIỀN NHÂN.
Minh họa: HIỀN NHÂN.

Họ bên nội xì xèo, bố nó ra ngoài nom sáng sủa, thành đạt, trở về sóng đôi với người đàn bà quê mùa như mẹ nó thật tội nghiệp, ông trời quả không cho ai hết. 

Chậc, chậc, trông mẹ nó mất cân xứng với chồng quá. Lời xì xèo đến tai, bố nó quặm môi chịu đựng, về nhà nhìn thấy vợ tự dưng thêm ngứa mắt, muốn đá thúng đụng nia. Mẹ nó nghe được lời tỉa tót ấy thì cúi đầu thấp hơn, như kiểu nhận lỗi về bản thân. 

Máu trong người nó sôi sùng sục, mặt mũi hằm hằm, thực sự nó muốn được hét lên, không nhờ người đàn bà nhà quê này, khéo chả sống nổi, chứ leo được lên đâu mà cao. 

Nó ấm ức hết chuyện này đến chuyện khác thay cho mẹ. Mấy năm trời bố đi biệt tăm tích. Bao nhiêu vất vả đổ trên đôi vai gầy guộc của mẹ. Mẹ không những phải nuôi nấng anh em nó từng ngày, mà chăm lo cho cả ông bà nội. Đột nhiên, bố báo tin về nước. 

Lúc đi còn có đồ đạc lỉnh kỉnh do mẹ sắm, còn khi về thì than ôi, như bị ai lừa rỗng túi, trắng tay. Mấy năm trước mẹ sắm cái mẹt, bày biện đồ trước cửa nhà bán. Mỗi lần dư được ít tiền, bà lại mua thêm mặt hàng khác. 

Dần dà thì mở rộng thành cái quán tạp hóa như bây giờ. Họ nội bảo, toàn tiền bố gửi cho nên làm được cái quán to thế. Nỗi ấm ức cứ dồn nén dần theo năm tháng, thành một cái kén trong lòng nó, bọc biết bao mầm phản kháng.

Từ hồi đi nước ngoài về, bố y hệt ông tướng trong nhà. Quần áo luôn là lượt, cả ngày có khi chả làm gì. Sáng sớm đã đòi hỏi mẹ phục vụ một ấm trà nóng, ngồi bên hiên thảnh thơi ngắm hoa lá. 

Mẹ lo bữa sáng cho cả nhà xong xuôi, lại vội vã dọn dẹp hàng quán. Bố ăn không ngồi rồi một thời gian khá dài, anh em nó chứng kiến biết cả. Bác nó bảo, cứ để cho bố nghỉ ngơi, bôn ba làm ăn ở nước ngoài vất vả, kiếm tiền nhiều thì cũng phải dành thời gian tiêu bớt đi chứ.

May mắn cho ông ấy là, phố huyện cần trưng dụng gấp người làm hành chính nên đúng lúc ấy vào được. Mẹ nó vui mừng hớn hở ra mặt. Bố sáng xách cặp đi làm, tối muộn mới về. Mà tài, tiền bố làm chỉ đủ ông chi tiêu, chả dư đồng nào đưa mẹ. Người đàn bà ấy lầm lũi như chiếc bóng di động, không than vãn, lặng lẽ đi bên đời bố nó.

Hai anh em giờ đỡ đần được mẹ nhiều việc. Ông anh và bố ngày nào cũng ầm ĩ, nó cảm thấy dù hay cãi nhau nhưng họ rất giống nhau. Còn nó, chả biết mình giống ai trong cái gia đình này. Nó không thể giống người đàn ông gia trưởng như thế, cũng không thể giống tính cách nhu nhược của mẹ. 

Mầm phản kháng theo sự khôn lớn của nó lớn lên. Nó thường lao vào bênh vực mẹ mỗi khi bố dở thói gia trưởng, quát tháo, đánh đập mẹ. Tuy gia trưởng nhưng ông ấy vẫn muốn giữ thể diện, trừ mẹ nó ra, còn lại phải đàng hoàng trong mắt họ hàng, con cái.

Buổi chiều mùa hè nóng bức, mẹ hì hụi sắp xếp nước giải khát ra bàn, bày sao cho màu xanh, đỏ… sóng sánh, mát lạnh dễ ập vào mắt người đi đường hơn. Gạt những giọt mồ hôi đang tua tủa khắp gương mặt. Mẹ ngẩng lên mà tưởng vì nóng quá mắt hoa, bố nó đèo người đàn bà nào, vừa vụt qua trước mặt. Nheo nheo mắt nhìn theo, mẹ chưa thể nhận ra cô ta là ai và linh tính có gì đó khác lạ. Bà vội vã chạy về nhà.

Khách đã ngồi ở bàn uống nước. Mẹ nó vân vê vạt áo một hồi trước cửa, ngại ngại, ngó nghiêng, rồi đi vào. Mắt chạm mắt. Người phụ nữ chân quê mỉm cười gật gật. Người đàn bà lạ cũng cười, thản nhiên cất tiếng: “Em chào chị ạ!…”. Mẹ nó đứng im vài giây, hy vọng bố sẽ giới thiệu. 

Nhưng như thể không có bóng dáng mẹ nó xuất hiện, ông ta tiếp tục câu chuyện với người đàn bà đối diện. “Ai đây hả anh?”, mẹ nó lân la ngồi xuống ghế. Chủ nhà thấy khách đến chơi, đương nhiên cần biết đó là ai chứ. Người mẹ nó nóng ran, chờ câu trả lời của chồng. Bố nó giới thiệu đây là bạn gái, là tri kỷ của ông ấy. Rồi kêu vợ cứ ra bán hàng, lo việc của mình đi. Mẹ nó đứng tim. Thế là thế nào nhỉ?

Bố chạy xe đi mua nước ngọt ở quán khác, chứ không phải chạy ra quán nhà lấy nước, bạn gái bố không uống nước chè, mà phải uống nước ngọt.

Đêm về, mẹ khóc rưng rức.

Nó điên tiết hỏi bố. Ông ấy ngồi rít hơi thuốc dài, phả khói, từ từ quay mặt đối diện với đôi mắt hằn nhiều tia vằn của con. Ông ấy giãi bày, cả đời ông chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào hợp với mình đến thế, nó không hiểu được điều đó đâu, ông ta rất cần người đàn bà đó ở bên cạnh. 

Cuộc đời ông giờ không sống nổi nếu thiếu người bạn gái tri kỷ này. Những lời bố vừa nói ra, nó không hiểu được thật, không tài nào hiểu được sao ông ấy có thể phũ phàng với người vợ hiền lành, cam chịu, thương chồng thương con như mẹ nó. Cũng không hiểu nổi tri kỷ là cái gì mà xen vào mối quan hệ gia đình này.

Đã nói rồi, ông ấy không sống nổi nếu không có người đàn bà kia. Nên ông nhất quyết sẽ bỏ mẹ nó. Nhưng trước khi đi, ông ta phân định rạch ròi tài sản. Nếu mẹ con nó ở cái nhà này, thì phải đưa cho ông ít tiền và trả thêm khoản nợ hai trăm triệu đồng giúp ông. À thì ra, ông ta nghiện cờ bạc, bao ngày chả có đồng nào mang về vì dúi dụi vào đỏ đen. 

Mẹ nó chẳng nói gì, cứ mếu máo ngồi khóc góc nhà. Nhìn đến khổ sở. Tiền mẹ đâu có nhiều, nó vừa đỗ đại học, mẹ đóng khoản học phí đầu năm cho nó xong là rỗng túi. Đổ dồn vốn liếng vào hàng quán. Làm đến đâu, nuôi mấy miệng ăn cả nhà đến ấy. Mẹ van xin bố nó nghĩ lại, để nhà cửa êm ấm. Nó bảo mẹ. Bố có yêu thương gì mẹ đâu, sao mẹ phải khổ sở vậy. Mắt nó long sòng sọc lên, đỏ lừ như con thú bị thương.

Mẹ gào khóc thảm thiết, van xin nó đừng hỗn với bố như vậy, dù sao ông ấy cũng là đấng sinh thành của nó. Nhìn mẹ đầu tóc rũ rượi, gương mặt rầu rĩ, thân hình quắt queo, quằn quại nơi góc nhà nó vừa xa xót vừa tức anh ách. Dù cố gắng mấy, nó không có cách nào giải thoát cho mẹ khỏi số phận tầm gửi của mình.

Anh em nó từ lâu đã không cần bố. Mẹ cứ yên tâm dứt khoát với bố. Nó xiết chặt tay mẹ: “Con hứa, con sẽ lo trả đủ khoản nợ đó”.

Sau khi đáp ứng được yêu cầu của bố nó, ông ấy đã cùng người đàn bà kia rời khỏi đất này. Nó hả hê vì lấy lại được sự tự do cho mẹ. Anh trai nó nghỉ học sớm, chỉ nó thích đi học. Hình như tri thức giúp nó thắp ngọn đèn trong ý nghĩ. Không biết sức mạnh ở đâu khiến đứa trẻ như nó có thể làm được điều đó. Nó học và kiếm tiền mê mải, điên dại.

Bao khó khăn đã vượt qua, có những lúc nó tưởng mình phải bỏ dở việc học, rồi cũng ra trường, có một công việc. Lâu lâu về thăm mẹ và anh trai. Mẹ thủ thỉ thêm, mẹ mới lấy được địa chỉ nơi bố nó ở, nó giúp mẹ tới đó một chuyến, xem bố ăn ở ra sao. 

Nó kinh ngạc nhìn mẹ, rồi van xin mẹ đừng tự làm mình khổ thế được không? Mẹ hãy để bố ra khỏi cuộc đời, có như vậy mẹ mới không phải sống một đời tầm gửi. Mẹ van xin ngược lại nó, giúp mẹ nốt lần này. Đời mẹ mắc nợ bố, nên tình nghĩa chưa xong.

Lau nước mắt, nó xách ba lô lên đường. Ở thị trấn nhỏ ven núi, ngôi nhà hai tầng hiện ra. Bên chiếc giếng, nó nhìn thấy người đàn ông ngồi vò quần áo. Suốt năm tháng ở ngôi nhà của nó, người đàn ông ấy mang dáng dấp tri thức, cả ngày khệnh khạng vào ra, chẳng bao giờ làm việc nhà. Nó không tin nổi vào mắt mình. Quần áo xộc xệch, mặt mũi hốc hác, già nua. 

Bố nó ngỡ ngàng, mừng mừng tủi tủi khi nhận ra con gái. Nó nhìn bố hậm hực: “Mẹ nhờ con lên đây xem bố ăn ở thế nào”. Bố nó cúi gằm, rũ ánh mắt vào chén nước. Cổ họng nghèn nghẹn: “Ừ, con về nhà, nhắn mẹ bố vẫn ổn…”

Suốt chuyến xe trở về, đầu óc nó mông lung chuyện của bố. Thực ra nó đã dò hỏi, bố và vợ hai thường xuyên cãi vã ầm ĩ. Hàng xóm ai chả biết. Giờ chứng kiến cảnh éo le này, lẽ ra nó phải thấy vui, nhưng lòng nó bỗng buồn vô cùng. Cái cúi đầu của bố khiến trái tim mạnh mẽ của nó xót xa.

Bước chân chạm cổng nhà từ lúc nào, nó cố giữ gương mặt tươi tỉnh, thản nhiên bảo với mẹ, bố sống tốt lắm, hạnh phúc lắm. Mẹ yên tâm bỏ bố con ra khỏi tâm trí được rồi. Mẹ cứ hỏi đi hỏi lại: “Thật thế hả con?”

Đúng là đời mẹ mắc nợ bố. Sao cách xa muôn trùng lòng bà vẫn linh tính thấy điều không tốt đến với ông ấy.

Nó nhớ y nguyên ngày bố bỏ mẹ con nó một cách dứt khoát, tàn nhẫn.

Mùa này lá rụng đầy lối ngõ nhà, bao năm mẹ nó vẫn giữ thói quen dậy sớm quét lá rụng và dọn hàng. Vừa mở cổng mẹ giật thót khi thấy người đàn ông nằm rạp dưới đất, quần áo rách tả tơi. 

Mẹ lật chiếc nón che mặt người đàn ông. “Ối trời đất ơi!”. Mẹ sợ hãi thốt lên. Người đàn ông mà bà yêu thương ngay cả khi đã bị phản bội đây ư? Sao đến nông nỗi này. Trông ông ấy co rúm như con giun dưới mặt đất mà tim gan bà đau đứt từng mảnh.

Nó không muốn đối diện với mẹ, giọt nước mắt van xin của bà luôn làm nó mềm lòng. Nó quay lưng, coi như không nhìn thấy gì. Nỗi khổ mẹ tự buộc vào vai, nó làm sao mãi ở bên gánh vác giúp mẹ. Cả đời mẹ nó quyết chịu cam phận tầm gửi, sống bên chiếc bóng của bố, hay chính ông ta mới là thân tầm gửi, sống nhờ vào mẹ. Nó lao đi giữa dòng người xuôi ngược, muốn những ồn ã giúp mình quên…

Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ