Tỷ phú Ba Lan đạp xe đi làm mỗi ngày

Sở hữu khối tài sản tỷ USD nhưng Marek Piechocki, nhà đồng sáng lập LPP S.A, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất Ba Lan tránh xuất hiện trước truyền thông, duy trì thói quen đạp xe đi làm mỗi ngày.

Cổ phiếu của LPP đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 11 khi các nhà đầu tư đánh giá cao khả năng thương mại điện tử của công ty ngay cả khi đại dịch tấn công doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống. Điều này khiến tài sản của nhà đồng sáng lập Marek Piechocki đạt mốc 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, việc trở thành tỷ phú không làm thay đổi lối sống giản dị và kín đáo của ông trùm thời trang Piechocki, người luôn tránh xa truyền thông và bảo vệ sự riêng tư của gia đình mình.

Thậm chí doanh nhân 60 tuổi này còn phủ nhận mình là một tỷ phú. Piechocki cho biết vào năm 2018 ông đã chuyển cổ phiếu của mình sang quỹ gia đình, nơi nhiều thành viên trong gia đình và một số người được chỉ định khác sẽ hưởng lợi. Quỹ này bị cấm bán cổ phiếu LPP.

Slawomir Loboda, Phó giám đốc điều hành của LPP, cho biết mô hình sở hữu này đảm bảo “công ty sẽ không bị bán” sớm. Đối với nhân viên, đó là “tin tuyệt vời”.

Piechocki bắt đầu kinh doanh vào năm 1991 với người cộng sự Jerzy Lubianiec khi Ba Lan đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ban đầu LPP chuyên nhập khẩu và phân phối áo len của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện LPP có hơn 1.800 cửa hàng tại 25 quốc gia, theo báo cáo hàng năm mới nhất của công ty. Hãng bán lẻ này sở hữu các thương hiệu bao gồm Reserved, Mohito và Cropp, thường có giá bán thấp hơn so với các hãng bán lẻ khác của phương Tây.

Là tỷ phú thời trang nổi tiếng nhất Ba Lan nhưng ông Marek Piechocki luôn từ chối các cuộc phỏng vấn về câu chuyện thành công của một ông trùm thời trang điển hình. Ông cũng tránh xa các show diễn thời trang của các thương hiệu, các sự kiện kinh doanh và người nổi tiếng.

Tại trụ sở chính của LPP ở thành phố Gdansk, nhà đồng sáng lập Piechocki không có văn phòng riêng, mà thích ngồi làm việc cùng bàn với các nhóm thiết kế. Vào năm 2019 khi được hỏi tại sao ông lại sống kín đáo như vậy, tỷ phú Piechocki nói rằng ông không muốn bất kỳ ai lợi dụng tên tuổi của mình để tăng giá cho các món đồ mà ông đã mua tại các chợ trời ở Gdansk. Vị tỷ phú này cũng duy trì thói quen đi làm bằng xe đạp mỗi ngày trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Hồi tháng tháng 11, quỹ của Piechocki đã mua thêm cổ phần từ quỹ của Lubianiec. Semper Simul Foundation liên kết với Piechocki hiện nắm giữ khoảng 29% cổ phần của LPP và khoảng 60% quyền biểu quyết. Quỹ của Piechocki có 16 cá nhân đăng ký là người thụ hưởng, trong đó có một số người không phải thành viên gia đình nhà Piechocki.

LPP không phải là công ty Ba Lan duy nhất có cổ phiếu tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, giúp tạo ra sự giàu có cho các cổ đông. Giá trị tài sản ròng của Tomasz Biernacki đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 1 khi nhu cầu về mặt hàng chủ lực đã thúc đẩy doanh số bán hàng của chuỗi siêu thị Dino Polska SA tăng lên. Cũng trong tháng đó, Rafal Brzoska trở thành tỷ phú mới nhất của Ba Lan khi nhà điều hành kho bưu chính của ông vươn lên trong sự bùng nổ thương mại điện tử.

Trước đó, vào giữa năm 2010, LPP trải qua thời kỳ khó khăn khi hỏa hoạn tàn phá nhà máy sản xuất của hãng ở Bangladesh khiến công ty thiệt hại nặng. Ngoài ra, các bộ sưu tập sản phẩm mới của hãng cũng không được đánh giá cao. Tỷ phú Piechocki thừa nhận vào năm 2017 rằng: “Chúng tôi đã quá chú trọng vào việc mở rộng mà không hiểu rằng bộ sưu tập chúng tôi muốn bán rất tệ”.

Để vực dậy công ty, Piechocki đã cắt cổ tức và dùng lợi nhuận để tăng lương cho các nhà thiết kế và thuê thêm nhân viên. Ông cũng đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử và trao cho nhân viên nhiều quyền tự chủ hơn. Những hành động đúng đắn này đã giúp LPP hồi sinh trở lại, nhất là trong thời kỳ đại dịch.

“Với việc đóng cửa đột ngột của các cửa hàng chiếm hơn 90% hàng may mặc của chúng tôi, chúng tôi cần nhanh chóng xây dựng lại hệ thống hậu cần của mình để cung cấp hàng cho việc bán hàng trực tuyến. Nếu trước đó chúng tôi không tin tưởng nhân viên và trao quyền cho họ thì thì công ty đã không đạt được bước tiến như hiện nay”, ông Piechocki nói.

LPP đã tăng hơn gấp đôi doanh thu thương mại điện tử của mình trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1 so với năm tài chính trước đó. Tuy nhiên, nó đã báo lỗ ròng trong khoảng thời gian 12 tháng khoảng 50 triệu USD. Giám đốc tài chính LPP Przemyslaw Lutkiewicz cho biết, công ty có kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng diện tích cửa hàng lên 25% trong năm nay. Vào tháng 5, LPP cũng đã đề xuất mức cổ tức kỷ lục để bù đắp cho các cổ đông vì đã bỏ qua đợt chi trả vào năm ngoái.

“LPP có chiến lược đa kênh được nhắm mục tiêu. Chiến lược này vượt trội hơn so với các nhà bán lẻ chỉ dựa vào phương thức cửa hàng truyền thống. Sự tăng trưởng trực tuyến của LPP được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng linh hoạt mà công ty đã xây dựng”, Tatiana Lisitsina, nhà phân tích bán lẻ tại Bloomberg Intelligence nhận định.

Sơn Nam (Theo Bloomberg)