10 cách quản lý tiền bạc đơn giản này sẽ khiến bạn giàu lên đều đặn mỗi ngày

Chúng đều là những cách quản lý tài chính được các chuyên gia khuyến khích.

Ảnh minh họa

Theo một báo cáo của ngân hàng Mỹ về thói quen tiền bạc của thế hệ millennials (23 – 37 tuổi), cho thấy 73% số đối tượng chi quá nhiều tiền vào những những thú tiêu khiển không cần thiết. 35% còn lại cho biết họ không tiết kiệm đủ và 17% trong số đó nói rằng họ luôn chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết.

Điều đó nói lên rằng tiết kiệm tiền là một việc làm rất quan trọng. Có thể bạn đã quá quen thuộc với vài chiến thuật tiết kiệm tiền, chẳng hạn như mang bữa trưa đi làm hoặc hạn chế uống cà phê ở cửa hàng. Bên cạnh đó vẫn có nhiều cách thức tiết kiệm hay ho khác, được các chuyên gia tài chính khuyến nghị, có thể giúp bạn làm giàu mỗi ngày.

1. Tiết kiệm tự động hóa số tiền nhỏ

Andrea Woroch, một chuyên gia tiêu dùng được công nhận trên toàn nước Mỹ, khuyên rằng bạn nên tiết kiệm hàng tuần với những khoản tiền nhỏ, có thể là 10 USD hoặc 20 USD mỗi tuần.

Khi tiết kiệm khoản tiền nhỏ, bạn cảm thấy dễ dàng hơn. Nhưng bằng việc thực hiện đều đặn, số tiền tiết kiệm sẽ tăng lên theo thời gian và bạn cũng học được cách sống mà không cần số tiền đó.

Cô cũng khuyến nghị nên tiết kiệm online để được hưởng lãi suất cao hơn. Bạn hãy cài đặt chuyển khoản tự động cho những số tiền tiết kiệm đó nhé!

2. Xóa sổ thẻ tín dụng trực tuyến và lập quy tắc 48 giờ

Chris Whitlow, giám đốc điều hành của Edukate – một công ty chuyên về giáo dục tài chính tại nơi làm việc, đưa ra một lời khuyên giúp bạn ngăn chặn hành vi mua hàng bốc đồng. Đó là sau khi bạn xác định muốn mua thứ gì đó, hãy đợi thêm 48 giờ mới rút ví chi tiền. Cách làm này giúp bạn nhận định rõ khoản mua sắm ấy có thực sự cần thiết hay không.

Đồng thời bạn không nên sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến. Việc mua hàng trực tiếp ở cửa hàng sẽ làm bạn có nhiều thời gian suy nghĩ, từ đó đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn.

3. Sử dụng ứng dụng lập kế hoạch tài chính

Các công cụ hỗ trợ sẽ giúp bạn đi đúng hướng hơn khi lập kế hoạch tài chính, nếu bạn đang có một mục tiêu cần đạt được.

Khi ứng dụng được kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng, nó sẽ theo dõi chi tiêu và cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải, mà bạn không cần thiết phải tự tay ghi lại chi tiêu mỗi ngày.

Một số ứng dụng như Acorns, Mint và Wally sẽ giúp bạn lập ngân sách, lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng, thông báo cho người sử dụng khi họ đang chi tiêu quá nhiều vào một danh mục.

4. Thay đổi ngân hàng

Nhiều ngân hàng không thu phí chuyển khoản, miễn phí rút tiền ở ATM, thậm chí miễn phí cho cả các giao dịch ngoại mạng, đồng thời còn có nhiều ưu đãi cho khách hàng cùng với lãi suất tốt.

Chuyển đổi ngân hàng sang đơn vị khác có những chính sách tuyệt vời hơn cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền hàng tháng.

5. Tiết kiệm chi phí đi lại

Chi phí đi lại là một trong những khoản chi khá lớn hàng tháng, bên cạnh tiền thực phẩm và chi tiêu cho chỗ ở. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc ô tô, việc lái xe đi làm thật sự rất thuận tiện.

Vậy nhưng Andrei Vasilescu, giám đốc điều hành của nền tảng tiết kiệm tiền DontPayFull nói: “Hãy dừng việc tự lái ô tô của bạn đi làm hàng ngày”. Thay vào đó, hãy chỉ sử dụng xe hơi khi thật cần và thay thế bằng các phương tiện di chuyển ít tốn kém hơn. Bạn có thể đi phương tiện công cộng, xe máy hoặc thậm chí là xe đạp nếu khoảng cách từ nhà tới công ty gần.

6. Xem xét các chi phí định kỳ

Byron Ellis, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận, đưa ra lời khuyên bạn nên xem xét các bảng sao kê thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng định kỳ, ít nhất là 6 tháng 1 lần.

Sau đó hãy liệt kê tất cả các khoản chi phí mà bạn có thể loại bỏ và tất cả những khoản chi có thể giảm bớt.

7. Thay thế những mặt hàng không cần thiết

Một ví dụ cho việc thay thế những mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm hơn, đó là khi ra ngoài, bạn hãy uống soda thay vì đồ uống có cồn. Nếu chuyển thức uống sang nước lọc, thậm chí bạn còn giữ được nhiều tiền trong túi hơn đồng thời bảo vệ tốt sức khỏe.

Tương tự với các khoản chi tiêu khác, những phương án thay thế vừa rẻ lại thân thiện với sức khỏe sẽ khiến bạn tích lũy được tiền hiệu quả hơn mỗi ngày.

8. Chia sẻ chi phí vận chuyển với bạn bè

Bạn đừng coi thường chi phí vận chuyển, nó có thể lên đến cả trăm nghìn mỗi lần mua hàng. Trong trường hợp bạn bè của bạn cũng mua sắm cùng một nơi, các bạn có thể chia sẻ với nhau chi phí vận chuyển bằng cách gộp đơn hàng lại. Nhiều khi mua hàng với số lượng lớn bạn còn được miễn phí vận chuyển.

9. Cố gắng không lãng phí thực phẩm

Việc lập kế hoạch các bữa ăn trong tuần sẽ giúp bạn loại bỏ tình trạng mua thực phẩm dư thừa, để chúng thối hỏng trong tủ lạnh không sử dụng đến.

Khi mua hàng với số lượng lớn để được giá tốt, việc tìm kiếm các công thức nấu ăn khác nhau cho cùng một thành phần là gợi ý hay ho. Nó giúp bạn tiết kiệm tiền lại vẫn có những bữa ăn ngon, không bị ngán.

10. Rút phích cắm của các thiết bị điện

Khi bạn thường xuyên gặp cú sốc lúc nhận hóa đơn tiền điện mỗi tháng, khuyến nghị cho bạn là hãy rút phích cắm của các thiết bị điện tử trong nhà như ti vi, máy tính xách tay, máy pha cà phê và thiết bị phát wi-fi khi không sử dụng.

Chúng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng điện ngay cả khi bạn đã tắt đi, điều đó chính là một trong những nguyên cớ làm hóa đơn điện của bạn tăng lên.

An Du