Hoa Phù Dung Thanh Nhiệt, Giải Độc
Trong Đông y, hoa phù dung vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết (làm mát huyết và cầm máu), tiêu thũng chỉ thống (làm hết phù thũng và giảm đau), thông kinh hoạt huyết, bài nùng (làm hết mủ); Ðược các sách thuốc cổ ghi lại dùng để chữa các chứng bệnh như ung thũng, mụn nhọt, lở loét, bỏng, ho do phế nhiệt, thổ huyết, băng lậu, bạch đới…
Trị cảm mạo: Hoa hoặc lá phù dung 30g, hậu phác 3g. Sắc kỹ 2 lần lấy 2 nước hòa đều, chia uống 3 lần trong ngày.
Trị ho do hư lao: Hoa phù dung 60-120g, lộc hàm thảo (Pyrola rotundifolia L.) 30g, đường đỏ 60g, hầm với tim và phổi lợn ăn.
Hỗ trợ điều trị chứng phế ung (áp-xe phổi): Hoa phù dung 20-30g sắc uống. Có thể cho thêm 10-20g đường phèn.
Trị ho ra máu: Hoa phù dung 10 đóa sắc uống.
Tử cung xuất huyết, kinh nguyệt kéo dài không dứt: Hoa phù dung 9-30g sắc uống, hoặc hoa phù dung và gương sen (liên phòng) lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 6g với nước cơm.
Trị kinh nguyệt không đều: Hoa phù dung hoặc vỏ rễ 9-12g, sắc uống.
Chứng thống kinh: Ðế hoa phù dung 7 cái, sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút đường phèn rồi uống.
Hoa phù dung hỗ trợ điều trị chứng phế ung (áp-xe phổi).
Chứng khí hư (bạch đới): Hoa phù dung 10 đóa sắc uống.
Trị viêm âm đạo: Hoa hoặc lá phù dung 1.000g, sắc kỹ lấy 1.000ml, bỏ bã, để nguội, cho thêm benzoic acid 0,3% để bảo quản bằng dung dịch thuốc tím 1‰, sau đó dùng dịch chiết hoa phù dung ngâm rửa kỹ, mỗi ngày 1 lần.
Hỗ trợ điều trị viêm tuyến vú: Dùng hoa, lá hoặc rễ phù dung sắc uống hoặc giã nát đắp vào vùng tổn thương.
Trị viêm khớp: Hoa phù dung 15g, xích đậu 15g, hai thứ nghiền nhỏ, trộn với mật ong rồi đắp lên khớp đau. Cũng có thể thay thế bằng bột lá phù dung khô.
Tổn thương do trật đả: Dùng hoa và lá phù dung tươi giã nát đắp vào nơi tổn thương hoặc dùng bột hoa phù dung khô trộn với dấm, rượu và nước trà thành dạng cao rồi đắp lên chỗ đau.
Hỗ trợ điều trị viêm kết mạc: Hoa phù dung 9-30g, sắc uống.
Chắp và lẹo mắt: Hoa phù dung tươi 3g, bạc hà tươi 3g, hai thứ rửa sạch, giã nát bọc vào gạc sạch rồi đắp lên tổn thương, mỗi ngày 2-3 lần.
Zona, vết thương do ong đốt, côn trùng cắn: Hoa hoặc lá phù dung lượng vừa đủ, phơi khô trong bóng râm, tán bột, trộn với dầu vừng rồi bôi vào vết thương.
Hỗ trợ điều trị bỏng: Dùng hoa hoặc lá phù dung 18g, đại hoàng 12g, bạch chỉ 9g, cam thảo 9g. Tất cả sấy khô, nghiền thành bột mịn rồi trộn với dầu trà hoặc dầu vừng bôi lên tổn thương. Hoặc hoa phù dung 15g, thanh đại 9g, 2 thứ tán bột, trộn với dầu vừng bôi vào nơi bị bỏng. Hoặc dùng hoa phù dung tươi lượng vừa đủ đem ngâm trong dầu ăn cho đến khi hoa chìm xuống đáy thì lọc bỏ bã, đựng trong bình kín dùng dần; hàng ngày từ 2-3 lần dùng gạc hoặc bông vô trùng thấm dầu thuốc bôi nhẹ nhàng vào vết thương.
Mụn nhọt, đinh độc, hậu bối, chín mé: Hoa hoặc lá phù dung sấy khô tán bột, trộn với vaseline thành cao mềm theo tỷ lệ 1:4 rồi đắp lên tổn thương, hàng ngày hoặc cách ngày thay thuốc một lần. Hoặc hoa phù dung 30g, đan bì 15g, sắc uống. Hoặc hoa phù dung và dã cúc hoa lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, trộn với mật ong bôi lên tổn thương. Hoặc hoa phù dung tươi giã nát đắp vào nơi bị bệnh. Hoặc hoa hay lá phù dung 1 phần, củ chuối tiêu 2 phần, lá vòi voi (có thể thay bằng rau má tươi) 1 phần, muối ăn một chút, tất cả giã nát rồi đắp lên tổn thương. Hoặc hoa hay lá phù dung 1 phần, lá dâu leo (nho dại) 1 phần, hai thứ giã nát, trộn thêm chút muối rồi bó vào nơi tổn thương.
Sưu tầm
BS. Thanh Hà