4 khoản chi không thể cắt giảm dù tài chính khó khăn

Khi gặp khó khăn về tài chính, chắc hẳn việc đầu tiên mà chúng ta nghĩ tới là cắt giảm tối đa các chi phí để mọi chuyện không tồi tệ thêm.
Đó là một suy nghĩ không hề sai. Bằng cách cắt giảm những chi phí và dịch vụ không cần thiết, bạn có thể tiết kiệm thêm tiền. Tuy nhiên có những khoản chi mà cho dù tài chính đang eo hẹp thì bạn cũng chớ nên cắt giảm.
1. Các chi phí cố định
Cal Brown, cố vấn tài chính của Savant Capital Management cho biết bạn hãy luôn thanh toán các chi phí cố định đúng hạn, đừng nợ lại.
“Cách tốt nhất để bạn luôn thanh toán đầy đủ các chi phí cố định là nghĩ rằng nếu bản thân không trả chúng đều đặn thì một điều gì đó rất tồi tệ sẽ xảy ra”, ông nói. Những chi phí cố định có thể kể đến như tiền thuê nhà hoặc tiền trả khoản vay thế chấp mua nhà/mua xe hơi, chi phí điện nước và tiền trả các khoản vay khác.
2. Hợp đồng bảo hiểm bạn đang sở hữu
Ngoài những chi phí cố định, các chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị bạn nên tiếp tục giữ hợp đồng bảo hiểm mà mình đang sở hữu.
Trong thời điểm khó khăn, mọi người thường có suy nghĩ rằng phí bảo hiểm là một khoản tiền có thể cắt giảm. Bạn không nên mua mới bảo hiểm khi đang gặp rắc rối về tiền bạc, song việc cắt giảm đột ngột bảo hiểm đang theo đuổi sẽ khiến bạn phải chịu thiệt hại lớn.
3. Gửi tiền vào quỹ khẩn cấp
Trong mọi trường hợp, việc xây dựng quỹ khẩn cấp phong phú luôn là điều quan trọng và cần đặt ở thứ tự ưu tiên hàng đầu. Sau khi cắt bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết, bạn hãy gửi tất cả số tiền tiết kiệm được vào quỹ khẩn cấp.
Theo một nghiên cứu của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, khoảng 40% người dân không thể ứng phó với một trường hợp khẩn cấp đòi hỏi họ cần chi ra hơn 400 USD. Điều đó cho thấy nhiều người không ý thức được vai trò quan trọng của quỹ khẩn cấp đối với cuộc sống của mình.
Lindsay Sacknoff, trưởng bộ phận tiền gửi tiêu dùng tại TD Bank cho biết: “Muốn tiết kiệm thì bạn phải đánh đổi. Bỏ đi những thứ mang lại cho bạn ít giá trị hoặc các mặt hàng xa xỉ không cần thiết để tiết kiệm thêm tiền, bạn sẽ tạo lập được sự an toàn cho tương lai”.
4. Hỗ trợ những người khó khăn hơn
Nếu có thể, bạn hãy trích một phần tiền của mình để giúp đỡ bạn bè, người thân trong gia đình hoặc rộng hơn là những người xa lạ trong cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó là một cách tiêu tiền đầy lương thiện và tốt bụng. Nó không chỉ giúp đỡ người khác lúc khó khăn mà còn đem lại cho bạn niềm vui vì đã chia sẻ được với những người xung quanh.
Theo: JB
An Du