Bài thuốc dân gian giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy: Sử dụng thuốc ích khí, giải biểu có công dụng hạ nhiệt, kháng khuẩn, giảm đau, lợi tiểu tiện.
Dùng trong trường hợp chính khí hư yếu, chậm chạp, sốt, nhức đầu, sợ lạnh, ho nhiều đờm, hơi thở ngắn, chân tay nhức mỏi, đau bụng, tiêu chảy, sườn đau, nhiệt uất ở trong ngực, bụng đầy chướng, tiểu tiện sẻn, đỏ….
Bài thuốc “Điều khí thư uất” chú trọng hỗ trợ chính khí, dồn bỏ bệnh tà (nguyên nhân gây bệnh), giải uất phục hồi sức khoẻ.
“Điều khí thư uất” hỗ trợ chính khí ( sức đề kháng)
Nhân sâm 8g, phục linh 12g, thương truật 12g, sài hồ 12g, khương hoạt 10g, địa cốt bì 8g, chi tử 10g, trần bì 6g, chính thảo 4g, ô dược 8g, đại táo 3 quả, bán hạ 6g, sinh khương 3 lát.
Cách dùng: Các vị trên sắc với 1900ml nước, lọc bỏ bã, lấy 300ml, chia đều 3 phần, uống trong ngày. Uống ấm tốt hơn uống lạnh.
Công dụng: Điều khí hư uất, giải biểu tà. Nhân sâm để bổ nguyên khí, giúp cho chính khí đuổi tà (yếu tố bên ngoài). Phục linh dẹp yên tà khí hoặc hàn nhiệt mới mắc, đồng thời có tác dụng bổ khí.
Thương truật vừa phát hãn, tán tà, khu phong trừ thấp, đồng thời lại có tác dụng làm khỏe tỳ vị. Sài hồ vào thiếu dương, trị chứng nóng rét qua lại. Khương hoạt chữa đau mình bởi phong thấp.
Địa cốt bì thanh nhiệt, trừ chứng cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương). Chi tử làm mát trị uất hỏa. Ô dược hành khí, thuận khí, thông khí. Bán hạ tiêu đờm táo thấp ở tỳ, phối hợp chữa chứng hỏa uất. Trần bì có tác dụng lý khí, thông can khí. Chích thảo bổ ích tỳ vị và điều hòa các vị thuốc khác.
Gia giảm:
Mùa hạ gia: Mạch môn, ngũ vị
Nhiệt nhiều gia: Tri mẫu, đơn bì
Nóng lạnh qua lại, rét nhiều bỏ: Chi tử. Gia: Thảo quả, hy thiêm
Nóng hầm hập và đau nhức xương gia: Huyền hồ sách
Bí tiểu tiện gia: trạch tả, mộc thông
Tiêu chảy gia : Trư linh, trạch tả
Buồn nôn và nôn gia: Hoắc hương
Trong ngực đầy ách khó chịu gia: Chỉ xác, cát cánh.
*Bài thuốc chỉ mang tính chất tham khảo!
Thu Hoài-t.h