Truyện ngắn: Đi tìm ký ức
Không ai biết cánh đồng có trước hay con đường có trước. Chỉ thấy cảnh này có từ rất lâu rồi. Con đường chạy ngang cánh đồng, chia hai nửa, một bên lúa mới lên xanh, một bên vườn xoài trổ bông vàng lốm đốm trong tán lá. Từ phía cánh đồng, nhìn ngang qua con lộ sẽ thấy những hàng dừa lớn nhỏ xen trong vườn xoài um tùm tạo thành một dãy màu xanh ngăn cánh đồng lúa chạy đến chân trời. Ở đó, trên những đọt dừa có một cái chuồng cu, được dựng lên bởi những cây tre đan qua đan lại. Nhìn xa như cái tháp, nhìn gần như đống củi đan vào nhau chuẩn bị cho buổi đốt lửa trại.
Hỏi lại mới biết, cái tháp chỉ mới xuất hiện ở xóm này chừng chục năm trở lại đây thôi. Hỏi ai xây tháp đó, tại sao xây tháp, thì người ta không kể rõ được, chỉ có mấy câu chuyện xâu lại không đâu vào đâu, chỉ biết chắc chuyện này: “Ông già Chín xây cái tháp đó chớ ai. Ổng là dân thương hồ, ở đâu cũng không biết. Đi theo ghe cắt lúa đến đây”.
Còn ông lão già nhất của xóm thì kể, hồi năm đó, từ khi nhóm thợ gặt đến, xóm này tưng bừng hẳn lên. Đến một ngày mưa to gió lớn, nhóm thợ nhậu say trên quán, giăng võng ngủ trên đó luôn không về ghe. Dưới ghe duy nhất có một người.
Nghe đâu sau đó có một con nhỏ ở xóm, bỏ xứ đi gần một năm, khi về ẵm trên tay đứa nhỏ, rồi ghé lại ghe nói chuyện, cãi cọ gì đó. Con nhỏ bỏ lại đứa nhỏ trên ghe, nhảy xuống sông lội đi. Hôm ấy nước lớn chảy xiết, lại mưa gió. Thằng con trai đứng trên ghe bất ngờ nên không kịp phản ứng, chỉ biết trơ mắt nhìn, lúc hoàn hồn mới nhảy xuống thì không còn thấy đứa con gái đâu nữa. Lúc đó lòng thằng con trai hoang mang vô cùng, những dấu chấm hỏi lơ lửng bay ngang đầu mà không có một cách nào bắt lại được. Người mới nhảy xuống đó thì còn đó chớ sao mất đi đâu. Tưởng tượng về cái chết khiến cho thằng nhỏ sợ, dù mình chỉ là cứu không kịp chứ đâu có kêu cô đó nhảy sông. Lòng bỗng dưng mênh mông, nhưng mịt mờ.
Cả đám thợ sau đó chia nhau đi lặn tìm khắp cả đoạn sông vẫn không gặp cô gái nhảy sông. Hỏi mấy ghe hàng bông, có người nói thấy con nhỏ đưa tay lên mặt nước mấy cái rồi lặn mất. Cũng có ghe nói thấy con nhỏ đi lên bờ rồi chạy theo hướng cánh đồng. Chắc nó đi đâu đó thôi. Hai câu chuyện thực hư làm nhóm thợ gặt hoang mang. Dù biết cô gái vẫn còn đâu đó quanh đây, chưa đi đâu xa (dù sống hay là chết), nhưng vẫn cảm thấy nửa lo nửa sợ, nửa buồn nửa thương, nửa tủi thân.
Mùa màng xong, đám thợ gặt đi tứ tán. Chỉ thằng con trai nhỏ con, mắt sáng là ở lại. Được đặc cách cho luôn chiếc ghe để làm chỗ cho đứa nhỏ có nơi nương tựa. Mỗi sáng, thằng nhỏ chạy chiếc ghe ra sông cái, ghé lại cái bè có đôi vợ chồng mới sinh con, để cho đứa nhỏ bú ké. Rồi gởi đứa nhỏ ở đó chơi, còn thằng nhỏ đi chạy mướn cho hết chỗ này đến chỗ khác. Nhưng không bao giờ chạy ghe đi xa: “Còn đứa nhỏ gởi cô Hai đầu vàm, phải về ngủ với nó, nó mới chịu ngủ”. Ai thấy cảnh hai cha con như vậy cũng ái ngại: “Không biết nó một mình gồng gánh nuôi thằng nhỏ được hông, trẻ người non dạ quá, làm sao tránh được bão giông sông nước”. Nhưng sông nước mênh mông đã chứng minh sự hiền từ của mình cùng với tấm lòng của người cha. Bằng chứng là sông và người cha đã nuôi đứa nhỏ lớn lên như thổi, rắn rỏi và thông minh không thua kém những đứa trẻ có cha có mẹ sống đầy đủ trên bờ.
Mấy mươi năm hai cha con lênh đênh trên sông. Đôi lúc thằng nhỏ cuồng chân đòi lên bờ, hỏi: “Cha ơi, mình đi đâu, ghe chạy hôm qua nay gần hết dầu rồi”. Thằng cha chợt nhớ, quay về chỗ cũ.
Nghe mấy bà ghe hàng bông nói, hổm rày, đêm nào tui cũng thấy con nhỏ lấp ló bên sông nhìn qua đây, chắc nhớ con, nó đi tìm. Không biết là người hay ma, mà nhìn rõ lắm. Vậy là người cha dẫn thằng con lên bờ, bán ghe mua đất dựng chòi ở. Lúc tuổi cũng trọng rồi, cưới vợ cho con xong xuôi, thằng nhỏ năm xưa nay đã thành ông già, buồn quá nên cất cái chuồng cu. “Để lâu lâu trèo lên trèo xuống cho chân tay rắn chắc”, đó là ông già nói vậy. Chớ ngày nào ông cũng trèo lên trèo xuống nhìn ra khắp hướng, tìm bóng dáng của cô gái nhảy sông hồi năm nào.
Ban đầu người ta coi cái chuồng cu như nơi ông già hóng gió, nhưng sau mới phát hiện nó cao chín tầng, nên có những liên tưởng lạ kỳ. Vậy là bỗng dưng sau một đêm ngủ ngon, sáng ra ông già nghe người ta đồn thổi và đặt tên hiệu cho ông có phần kỳ lạ: ông đạo đọt, hoặc ông đạo tháp chín tầng. Tin lạ đồn xa, dân hiếu kỳ kéo nhau đến coi mặt ông đạo. Ông chưa biết xử sao thì có câu chuyện hai đứa yêu nhau, nắm tay lại gặp ông đạo và sẵn tiện leo lên chuồng cu. Từ tầng thứ nhất lên tầng thứ chín, lên càng cao, con người càng thấy sinh mạng mong manh giữa những cây tre đan vào nhau như chim làm tổ. Có thể vì vậy nên người ta yêu nhau hơn. Vậy là chưa đến tầng thứ chín, hai đứa nắm tay ra về, thôi mình hết giận nhau, nghen.
Có thế thôi, mà cái tháp ấy được đồn là linh dễ sợ. Vậy là một ngày đẹp trời, ông già được vận động: “Phải dỡ cái tháp đó thôi ông ạ. Cái tháp không an toàn, lỡ người ta leo lên, té xuống chết hay mưa to gió lớn, tháp ngã đè người ta thì sao”. Hôm cái tháp bị dỡ đi, ông già khóc mếu máu như con nít mất đồ chơi.
Vậy mà năm bảy người tháo cái tháp cũng cả tuần mới xong. Bởi cái cây này xọ cây kia. Dây này buộc dây kia chằng chịt khó gỡ làm sao. Chỉ có cách đổ xăng đốt bỏ, hay cưa chân tháp cho sập. Nhưng giữa vườn tược, hai cách ấy không tiện cho lắm. Nên đành phải leo lên tháo bỏ từng cây.
Cái tháp được tháo đến tầng thứ tư thì ông già lâm bệnh nằm một chỗ. Lúc này ông không còn nhắc đến cái tháp nữa. Ông ú ớ nói không ra lời. Đến một hôm, cố lắm ông mới nặn ra từng chữ một. Thằng con trai ông ngồi kề, cố nghe để xâu thành câu chuyện. Khi câu chuyện ông già kể hoàn thành, cũng là lúc ông già nhắm mắt xuôi tay.
Thuận theo lời ông, gia đình đưa ông đi hỏa táng. Mấy tháng sau, thằng con sắm chiếc ghe, rồi ôm cốt cha xuống ghe, đi thương hồ. Vợ con đứng trên bờ hỏi đi đâu, chỉ nghe một tiếng rõ to vọng lại khi máy nổ khịt khịt: “Đi kiếm má!”. Không biết biển người mênh mông, đời người thì hữu hạn, cuộc tìm nhau có an ủi được phần nào nỗi niềm người ở lại?
Theo Baocantho.com.vn