Hè đến mỗi gia đình đều nên có bột sắn dây trong nhà
Từ thời xa xưa, tất cả các bộ phận của cây sắn dây đã được Đông Y sử dụng làm thuốc với hiệu quả rất tốt, trong đó phổ biến nhất là bột sắn dây. Sắn dây sống có tính đại hàn, do vậy người bị nhiệt miệng, rôm sảy, nóng trong dùng sẽ có công hiệu tức thì.
Nhiều nghiên cứu của y học hiện đại đã chứng minh sức mạnh chữa bệnh của sắn dây. Theo đó sắn dây có khả năng chữa bệnh đường tiêu hóa rất tốt nhờ chất chống oxy hóa cực mạnh là plavonodit. Ngoài ra sắn dây còn có khả năng giảm đau đầu, giảm chứng đau nhức vai cổ, bảo vệ gan, chống lão hóa, chống ung thư. Đối với hệ tim mạch, sắn dây có tác dụng giảm huyết áp, giảm mỡ máu, giảm hình thành cục máu đông, do đó phòng ngừa được đột quỵ và đau tim.
Nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy sắn dây có tác dụng giải rượu hiệu quả. Không chỉ giải cơn say, sắn dây có khả năng trung hòa các chất độc của rượu. Tác giả nghiên cứu cũng cho rằng sắn dây giúp làm giảm ham muốn uống rượu và giảm tác dụng độc hại của rượu đối với sức khỏe con người.
Sắn dây hạ sốt, giải nhiệt
Theo Đông y, bột sắn dây gọi là cát căn, có công dụng hạ sốt khá hiệu quả mà không để lại tác dụng hại gan như thuốc Tây. Trong sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS Đỗ Tất Lợi có ghi thêm về tác dụng hạ sốt của cát căn: Cho thỏ gây sốt uống dịch chiết cát căn bằng cồn etylic với liều 2g/kg thể trọng thấy tác dụng giảm sốt rõ rệt.
Để hạ sốt, bạn có thể pha chín bột sắn dây, cho thêm chút mật ong vào rồi uống. Tác dụng hạ sốt của bột sắn dây đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp cảm nắng, hoặc sốt không ra mồ hôi. Lưu ý: thận trọng khi dùng sắn dây đối với trường hợp sốt nóng sợ lạnh.
Sắn dây cũng được coi là vị thuốc giải nhiệt cực tốt nhờ tính đại hàn. Đối với người bị nhiệt miệng, mụn nhọt, rôm sảy, táo bón, nóng trong người, uống bột sắn dây có thể đem đến hiệu quả rất nhanh.
Viêm ruột, kiết lỵ do nhiệt: Lấy một ít bột sắn dây cùng đường hòa tan trong nước, sau cho lên bếp khuấy chín đặc, mang ra ăn. Ngày 1 – 2 lần.
Trị chảy máu mũi không cầm: củ sắn dây sống, giã ép lấy nước uống 3 lần thì khỏi.
Sắn dây giải độc
Sắn dây giải độc rượu: nghiên cứu cho thấy bột sắn dây có tác dụng giải rượu, trung hòa tác dụng có hại của rượu. Sắn dây còn giúp trị trúng độc các loại thuốc, ngộ độc sinh ra bứt rứt, bồn chồn, phát cuồng, nôn mửa. (Trửu Hậu Phương)
Sắn dây trị mụn, nám da
Bên cạnh khả năng chữa bệnh, bột sắn dây có công dụng làm đẹp rất tốt, đặc biệt là trị tàn nhang.
Trong củ sắn dây có chứa một nhóm hoạt chất isoflavone có hoạt tính tương tự như hormone estrogen của phụ nữ. Chất này giúp ổn định hoạt động của estrogen, ngăn chặn sự bài tiết quá nhiều sắc tố melanin là chất gây thâm nám, tàn nhang. Ngoài ra, isoflavone còn là chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể.
Bột sắn dây trị nám, tàn nhang
Bạn có thể uống nước bột sắn dây mỗi ngày để đẩy lùi thâm nám từ bên trong. Đồng thời kết hợp đắp mặt nạ bột sắn dây từ bên ngoài với công thức: 1/2 chén nước ép cà chua đem trộn đều với bột sắn dây. Sau khi tẩy da chết trên mặt, bạn thoa đều hỗn hợp này lên da, kết hợp massage nhẹ nhàng cho đến khi hỗn hợp trên da khô lại thì rửa mặt bằng nước ấm.
Bột sắn dây trị mụn
Bột sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất cao, sẽ nhanh chóng đẩy lùi các loại độc tố tích tụ bên trong cơ thể, từ đó trị mụn từ bên trong. Với khả năng “nội công ngoại kích”, mụn sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.
Bên trong: Pha bột sắn dây với bột đậu xanh và một chút đường cho dễ uống, uống 2 cốc một ngày. Hoặc bạn có thể nấu chín bột sắn dây với đường dùng uống.
Bên ngoài: Trộn đều 20g bột sắn dây với 20g bột đậu xanh, 1 thìa cà phê mật ong cho đến khi sền sệt. Đắp hỗn hợp lên mặt với một lớp mỏng, để trong khoảng 20-30 phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Mặt nạ bột sắn dây kết hợp với đậu xanh có tác dụng làm mát da, giải độc, tiêu viêm, sẽ nhanh chóng làm cho các đốm mụn se lại và biến mất.
Một số lưu ý khi dử dụng sắn dây
Bột sắn dây có tính hàn, uống quá nhiều sẽ làm mất cân bằng hàn – nhiệt trong cơ thể, do vậy không nên dùng quá nhiều. Bột sắn dây nấu chín hàn tính bị suy giảm, do đó người bình thường nên uống chín, uống tối đa ngày 1 cốc.
Với trẻ em, do các bộ phận còn yếu, khó chịu được tính hàn của sắn dây sống, chỉ nên uống sắn dây chín, vừa giảm tính hàn, lại dễ tiêu, dễ hấp thu.
Với trường hợp phụ nữ có thai có dấu hiệu tử cung co bóp quá nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
Một số cách chế biến bột sắn dây
Cách chế biến bột sắn dây đơn giản nhất là pha bột sắn dây uống, bạn có thể pha sống hoặc pha chín.
Pha sống: Cho hai thìa bột sắn, đường vào cốc nước, tiếp sau rót nước lạnh vào khoảng chừng 2/3 cốc. Khuấy đều bột sắn và đường lên cho tan. Bạn cũng có thể cho thêm vào vài giọt nước quất hoặc chanh để tăng hương vị rồi uống trực tiếp.
Pha chín: Đầu tiên bạn cho khoảng 2 thìa bột sắn dây với chút nước lạnh cùng với đường rồi hoà tan. Sau đó châm nước nóng từ từ vào cốc đến khi vừa đủ uống, trong khi cho nước nóng vào bạn phải dùng đũa khấy đều lên tới khi nước đủ bạn vẫn phải quấy thêm một lát nữa. Bột sắn dây gặp nước nóng sẽ chuyển dần từ màu trắng sữa sang trong và keo lại sền sệt, để nguội bớt ăn rất mát và ngon miệng.
Bạn cũng có thể thêm bột sắn dây vào chè hoặc các món ăn để tạo độ sánh: pha bột sắn vào nước, khi chè chín cho nước sắn dây vào nồi chè rồi quấy đều, nhanh tay cho bột sắn chín đến khi thấy sóng sánh là được. Đối với nhiều món nấu khác, như món súp cá nấu bột sắn dây, bạn cũng có thể thực hiện tương tự.