Thành phố hiếm có tại Thái Lan: Nơi người dân ăn 9 lần/ngày
Ở thành phố Trang, miền Nam Thái Lan, lúc này đã là nửa đêm. Một chiếc lò nướng với kích thước bằng cái xe tuk tuk vẫn đang hoạt động. Lửa và khói bắn ra từ phần chóp. Những người đàn ông đang cẩn thận bỏ hai con lợn đã giết mổ vào lò.
Một giờ sau, chúng sẽ được rút ra với lớp bên ngoài đỏ thẫm, da giòn và thơm nức. Khi thịt đã bớt nóng, nó sẽ được chặt nhỏ và bày bán tại chợ trung tâm ở Trang vào 4h. Đó cũng là lúc những người dân của thành phố này thức giấc để tìm bữa sáng bắt đầu ngày mới.
Ám ảnh với bữa sáng
“Ngay cả ở một quốc gia nổi tiếng về ẩm thực như Thái Lan, cách người dân thành phố này ám ảnh với bữa sáng cứ như một căn bệnh vậy”, cây viết Austin Bush của BBC nói.
Khanaporn Janjirdsak, một chủ nhà hàng kiêm nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực nghiệp dư ở Trang giải thích: “Các nhà hàng phục vụ đủ kiểu công nhân. Những người cạo mủ cao su thức dậy lúc 2h. Người làm nhà hàng đi mua nguyên liệu lúc 5h. Dân ở đây ăn liên tục”.
Theo Khanaporn, cao su là một loại cây trồng chủ yếu ở vùng nông thôn xung quanh Trang. Nhựa cao su lại phải lấy vào buổi sáng. Điều này dẫn đến nhu cầu ăn lớn, phát triển một văn hóa ăn sáng sớm mạnh mẽ. Bà Khanaporn tiết lộ các công nhân đi cạo mủ cao su có thể ăn tới 2 bữa sáng trước khi mặt trời xuất hiện.
Văn hóa ăn sáng ở Trang
Một yếu tố khác tạo nên văn hóa ăn sáng của thành phố này là vấn đề nhập cư. Từ thế kỷ 15, triển vọng công việc ở Trang thu hút nhiều dân nhập cư Trung Quốc. Điều này biến Trang trở thành quê hương của khổng lồ của những người gốc Hoa, đặc biệt là dân vùng Quảng Đông.
Yaowanee Thirakleela (người Quảng Đông), là chủ nhà hàng Jip Khao thế hệ thứ tư. Đây là một trong những nhà hàng phục vụ món dim sum được yêu thích nhất ở Trang. Mới 7h, quán đã chật kín người, từ học sinh, dân về hưu cho tới những nhân viên văn phòng.
Món dimsum ở đây không giống như kiểu truyền thống của Trung Quốc. Nó không có nhân hải sản hay vỏ ngoài trông như một viên ngọc tinh xảo. Dimsum kiểu Trang mà nhà hàng Jip Khao đang bán khá giản dị. Phần nhân thịt lợn và thêm tỏi, tiêu trắng. Món này được dùng cùng trà truyền thống của Trung Quốc.
“Vào thời của cha tôi, họ uống rất nhiều trà”, Yaowanee nói. “Họ có thể ăn thức ăn béo và vẫn sống lâu!”.
Đứng sau dimsum trong danh sách những món ăn sáng phổ biến nhất ở Trang là bánh bột chiên giò. Đây cũng là món ăn sáng khoái khẩu của người Trung Quốc.
Somyot Athakijmongkol là chủ sở hữu thế hệ thứ hai của Kun Chiang Bang Rak, một nhà hàng nhỏ chỉ phục vụ bữa sáng. Ông nói mình thường dậy từ 3h để chuẩn bị bột. Khoảng 6h, ông đem chúng ra chiên và hàng hết sạch khi đồng hồ còn chưa điểm 9h.
Tuy nhiên, ẩm thực Trung Quốc không phải thứ độc tôn ở Trang. Giống như phần lớn các tỉnh thành miền Nam Thái Lan, thành phố này có lượng lớn người theo đạo Hồi.
Họ hay bắt đầu ngày mới về những chuỗi nhà hàng halal (một thuật ngữ chỉ đồ ăn có nguyên liệu được luật đạo Hồi cho phép), hay roti – loại bánh mì dẹt chiên giòn. Món cà ri cùng gia vị đặc trưng của Ấn Độ cũng là lựa chọn của người dân.
Trớ trêu thay, những tinh hoa ẩm thực Thái Lan lại không có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa ăn sáng ở Trang. Một bộ phận người Thái cũng có những cửa hàng ăn sáng riêng với các khay cà ri, món xào, súp làm sẵn. Ở các vùng khác, chúng là đồ ăn trưa. Tuy nhiên, tại Trang, đây lại là bữa sáng.
Thanatip Boonyarat, điều hành một cửa hàng cà ri Thái Lan, cho biết thường bán sạch đồ từ 9h.
“Người dân ở Trang nổi tiếng là ăn uống rất khủng. Người dân vùng khác có thể chỉ ăn 3-4 lần/ngày. Tại đây, người ta ăn 9 lần/ngày”, cô kể.