Các vị thuốc Nam quen thuộc hỗ trợ giảm ho cho trẻ
Gừng là loại cây gia vị quen thuộc được trồng ở nhiều nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nếu như can khương (gừng khô) có vị cay, tính nóng; thì sinh khương (gừng tươi) vị ôn có tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, được dùng chữa cảm mạo, phong hàn, ho do cảm hàn.
Theo sách “Những cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi, gừng tươi có vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh phế, tỳ và vị, có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, giải độc. Gừng được sử dụng trong chữa ngoại cảm, bụng đầy chướng, nôn mửa, đờm ẩm sinh ho. Bên cạnh đó, gừng có thể dùng trong bài thuốc chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi…
Dược điển Việt Nam cũng hướng dẫn cách sử dụng gừng: ngày dùng 4 – 8g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán để trị đàm ẩm, ho suyễn…
Một nghiên cứu của Trường Y Trung Quốc cũng chứng minh, gừng có chứa chất kháng histamin và giúp thông mũi, có khả năng làm giảm triệu chứng cảm lạnh và cúm.
Quất
Theo sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam” (Nhà xuất bản Khoa học & Kỹ thuật), quả quất (tắc) chứa nhiều vitamin C, protein, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như sắt, đồng. Quả quất có vị chua, hơi ngọt, mùi thơm, tính ôn, có tác dụng giải khát, giảm ho. Quất được sử dụng trong các bài thuốc chữa ho, đặc biệt là ho lâu ngày không khỏi. Một bài thuốc đơn giản dân gian thường dùng để trị ho, viêm họng là ngâm quất với đường phèn, muối hoặc chưng quất với mật ong.
Theo PGS,TS. Nguyễn Thượng Dong – nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, quất muốn sử dụng để làm thuốc trị ho, nhất là cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hàm lượng hoạt chất và độ an toàn. Theo đó, quả quất không chứa các tác nhân gây bệnh như: chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat). Ngoài ra, quất phải được hái đúng thời điểm: không quá xanh vì hàm lượng hoạt chất, tinh dầu chưa cao, cũng không được quá chín khi đã giảm lượng vitamin C và tinh dầu.
Theo thông tin từ Viện Dược liệu, húng chanh là cây cỏ, sống lâu năm, được trồng làm gia vị và làm thuốc. Toàn cây chứa tinh dầu carvacrol, có tác dụng chữa cảm, cúm, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, ho, hen, ho ra máu, viêm họng, khản tiếng, nôn ra máu, chảy máu cam.
Để trẻ dễ uống, bố mẹ có thể lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp lên cho con dùng. Theo Đông y, đường phèn vị ngọt tính bình, vào tỳ và phế, khi kết hợp với húng chanh sẽ càng tăng tác dụng nhuận phế, trừ đàm, dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, đau rát họng.
Cát cánh
Cát cánh có tên khoa học là Platycodon grandiforum, thuộc họ hoa chuông, có rễ củ là bộ phận dùng làm thuốc.
Trong cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc” cũng cho biết, trên lâm sàng, chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Khi uống saponin gây kích thích niêm mạc họng và dạ dày, đưa đến phản ứng tăng tiết dịch ở đường hô hấp làm cho đờm loãng và dễ bị tống ra ngoài. Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, giúp trấn tĩnh, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm; đồng thời có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ, chống loét và chống viêm.
Hiện nay, ở nước ta có một số vùng trồng cát cánh đạt chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu sạch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) tại Bắc Hà (Lào Cai)
Mật ong
Có tính kháng khuẩn và kháng viêm cao, mật ong có khả năng phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, trị ho, rát họng… Một số nghiên cứu chứng minh, hiệu quả của mật ong còn cao hơn nhiều loại thuốc ho thông thường.
Mật ong có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian giúp giảm ho, giải cảm như: quất chưng mật ong, húng chanh chưng hấp mật ong, chanh đào ngâm mật ong, lá hẹ chưng mật ong, trà gừng mật ong…
Một số chuyên gia khuyên không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh, vì có khoảng 5% số mật ong trên thị trường có chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum – thủ phạm có thể gây vấn đề tiêu hóa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (do hệ tiêu hóa của bé chưa có khả năng tiêu diệt bào tử này).