35 điều nên và không nên khi làm đẹp
Với mỹ phẩm
1. Nên thử trước khi mua: Trước khi quyết định mua, bạn hãy bôi thử loại mỹ phẩm đó lên cánh tay hoặc phần ngực để xem có bị dị ứng tức thì hay không. Sau đó, nếu sử dụng một thời gian mà thấy bị mẩn ngứa, phải dừng ngay lại và nhất thiết đi khám tại chuyên khoa da liễu.
2. Không nên dùng mỹ phẩm tự chế: Ngoài việc sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, nhiều người còn truyền tay nhau rất nhiều công thức tự tạo mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để dưỡng da mặt. Điều này là hết sức mạo hiểm, vì khi không biết rõ về đặc tính những hợp chất mà mình sẽ sử dụng, da mặt chắc chắn bị ảnh hưởng.
3. Nên nhớ tới dưa chuột, nếu mắt sưng húp: Hãy cắt vài lát dưa chuột mỏng cho vào một bát nước lạnh, sau đó lấy ra đắp lên vùng mắt, mỗi lát dưa đắp chừng 4 phút rồi thay miếng khác. Làm như vậy trong chừng 20 phút.
4. Không nên dùng mỹ phẩm chứa nhiều dầu nếu da mặt bị mụn bởi sẽ làm cho mụn lâu khỏi. Sau khi đánh kem lót và phấn phủ da mặt, cần dùng bút che mụn chấm lên từng đầu mụn sẽ làm cho mụn mờ đi rất nhiều.
5. Không nên lạm dụng trang điểm khi thời tiết quá lạnh: Khi trời lạnh, da bạn thường tái xám nhưng đừng nên lạm dụng quá phấn má hồng, nó sẽ khiến cho mặt bạn đỏ và đôi mắt trông sẽ bị sưng to. Chỉ nên đánh phớt nhẹ, không đánh đậm hoặc quá dày sẽ tạo được sự tự nhiên.
6. Hãy giấu đi quầng thâm dưới mắt: Nếu quầng thâm dưới mắt có xu hướng đậm hơn, chùng xuống và nhăn nheo khi lão hóa, bạn nên trộn kem che khuyết điểm và kem dưỡng dành riêng cho vùng mắt rồi thoa nhẹ bằng đầu ngón tay trỏ lên quầng mắt đó. Những gam màu sẽ khiến mắt bạn sáng và trẻ hơn là hồng nhạt, cam nhạt.
7. Không nên chọn màu mắt quá rực rỡ nếu bạn trên 30: Hãy tránh xa các màu xanh lá, tím, hồng… thay vào đó là màu hồng nhạt, nâu hồng, xanh nước biển nhạt và các gam màu trung tính khác. Ở tuổi 30, nhiều phụ nữ đã bắt đầu có dấu hiệu bị xệ đuôi mắt, vì thế, khi đánh mắt, nhớ đánh theo chiều chếch lên thái dương để tạo cảm giác đuôi mắt cao hơn.
8. Chỉ nên dùng nước hoa hồng sau khi rửa mặt cho da dầu: Da dầu có độ kết dính lớn, điều này là do mỡ da và lượng nước không đều gây ra. Nếu bạn không dùng kem dưỡng da, lượng nước bổ sung cho da rất dễ bị bay hơi, như thế không những làm cho mỡ da ít đi mà còn làm cho da ra nhiều chất dầu hơn.
9. Không nên tắm quá 3 phút: Nếu làn da khô và dễ bị kích ứng, bạn hãy cố gắng cắt giảm thời gian tắm dưới vòi hoa sen.
10. Nên hạn chế dùng các loại xà phòng: Thay vào đó, mỗi tuần một lần bạn có thể sử dụng xà phòng bột yến mạch để làm sạch da.
11. Không nên dùng khăn chà xát da sau khi tắm mà cần thấm nhẹ nhàng cho da khô dần.Sau khi tắm, bạn có thể thoa lên cơ thể với tinh dầu dừa hoặc bơ. Chúng chứa các thành phần tự nhiên nuôi dưỡng da, giàu các loại vitamin A, C,D, E và protein rất thân thiện cho làn da, giúp dưỡng ẩm và bảo vệ da khỏi lão hóa.
12. Tránh rửa mặt bằng nước máy vì nước máy thường chứa clo, flo và các hóa chất không tốt khác cho làn da. Bạn có thể sử dụng nước khoáng hoặc tốt hơn là làm sạch khuôn mặt với nước hoa hồng không chứa cồn, sữa rửa mặt được chiết xuất từ tự nhiên để không làm mất cân bằng độ ẩm của da.
Cho da khô
13. Nên sử dụng dưỡng ẩm hoặc các loại tinh dầu tự nhiên khi da vẫn còn ẩm, ưu tiên những khu vực mà làn da dễ khô nhất như bàn tay, chân… Kem và các sản phẩm chăm sóc da khô phải được dựa trên thành phần tự nhiên ít gây dị ứng là tốt nhất.
14. Đừng quên dùng các chất béo có lợi từ cá, dầu thực vật cùng với việc bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin các loại vào mỗi bữa ăn, vì chất béo giúp da mềm mịn hơn.
15. Nên hạn chế dùng máy lạnh bởi nó là một trong những nguyên nhân khiến da bạn bị mất nước và dẫn đến khô sần. Ngoài ra, các nguyên nhân từ môi trường như gió bụi, thời tiết thay đổi, cũng khiến da bạn bị khô.
16. Không nên ăn kiêng: Việc chạy theo một chế độ ăn kiêng thiếu khoa học cũng khiến da bạn bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vitamin và chất béo cần thiết.
Cho mái tóc
17. Nên có chế độ dinh dưỡng cho tóc: Một cơ thể khỏe mạnh, chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra điều thần kỳ cho mái tóc của bạn. Thiếu sắt gây tổn thương lớn nhất cho tóc vì làm giảm khả năng chuyển oxy cho máu. Thiếu oxy khiến cho các nang tóc yếu dẫn đến khô da đầu và rụng tóc.
18. Nên dưỡng tóc thường xuyên nếu tóc khô vì nó phục hồi và thay đổi sự mất cân bằng độ ẩm và dầu trong tóc.
19. Nên hấp tóc trước khi massage bằng dầu nóng: Nếu tóc quá khô, hãy xoa một ít dầu thẳng vào chân tóc trước khi hấp. Bên cạnh đó, thường xuyên gội đầu thực ra rất có hại và cũng đừng nên dùng dầu gội có hoạt chất quá mạnh.
20. Muốn bóng tóc, hãy dùng bia: Đun sôi ¾cốc bia cho đến lúc chỉ còn ¼ cốc. Bia để nguội và đổ vào dầu gội đầu của bạn sau đó dùng như dầu gội. Bia cũng lời một lựa chọn tốt nếu bạn muốn tóc mềm mượt: Gội đầu xong, hãy massage bằng bia và chỉ tập trung trên da đầu.
21. Nên chọn loại dầu hấp phù hợp với tóc: Hấp nóng giúp nuôi dưỡng, làm tóc luôn bóng đẹp, phù hợp với mọi loại tóc. Hấp lạnh thực hiện khi tóc bị khô, xơ nghiêm trọng. Biện pháp này giúp diệt khuẩn và cung cấp oxy cho tóc. Hấp spa sử dụng sản phẩm pha tinh dầu, trong quá trình hấp có khâu massage để làm thư giãn da đầu, giúp tinh thần sảng khoái, phấn chấn.
22. Đừng lạm dụng hấp dầu: Thông thường, chỉ cần hấp từ 1-2 lần/tháng. Nếu tóc bị hỏng do tác hại của tia cực tím hoặc hóa chất và quá xơ, nên hấp hàng tuần.
23. Hãy yêu lá móng nếu tóc khô: Tạo một hỗn hợp 8 thìa canh cây lá móng, 1 thìa canh dầu và 1 lượng thích hợp sữa ấm. Xoa đều và để trong 15 phút, sau đó gội sạch bằng dầu gội. Bạn nên để tóc khô tự nhiên, tránh dùng máy sấy.
Để có bộ móng khỏe
24. Cần ăn các chất tốt cho móng: Một chế độ ăn uống đầy đủ calci, kẽm và vitamin B biotin sẽ giúp móng chắc khỏe và bóng đẹp hơn nhiều. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, chỉ cần dùng đều đặn khoảng 2,5mg biotin/ngày sẽ có móng tay cứng, hồng và bóng hơn so với bình thường.
25. Hãy để móng tay “thở”: Khi bạn phết một lớp sơn lên móng, nghĩa là bạn đã che đi nơi móng tiếp xúc với không khí. Nếu tình trạng này kéo dài, móng của bạn sẽ bị yếu đi, có thể có biểu hiện sần sùi, cong, đục, đổi màu…
26. Phục hồi móng bị hư hại và bong tróc: Ngâm móng tay của bạn vào trong dầu oliu nguyên chất từ 10-15 phút mỗi ngày trong vòng một tháng và sau đó giảm xuống còn 2 lần/1 tuần.
27. Không lạm dụng móng trong khi làm việc: Không nên thường xuyên dùng móng tay để mở các chai soda, bấm điện thoại nhắn tin hay vật cứng khác. Sử dụng bút hoặc dụng cụ mở nắp để tránh gãy móng.
28. Tránh bôi nước tẩy móng nhiều: Đừng sử dụng aceton nhiều hơn hai lần một tháng. Nó có thể làm cho móng bạn bị khô và hư tổn.
29. Hãy bảo vệ móng khi làm việc nhà: Chất tẩy rửa có trong nước rửa bát hay nước lau sàn nhà, tẩy bồn cầu đều có thể làm cho móng bị khô và bong tróc. Đồng thời, khi làm vườn, đất cát cũng có thể gây nguy hại cho móng của bạn. Hãy đeo găng tay khi làm việc nhà để bảo vệ da và móng tay.
30. Không nên để móng tay ố vàng: Bạn nên ngâm rửa móng tay với nước chanh pha loãng, hoặc dùng quả chanh cắt đôi chà lên móng trong khoảng vài phút, sau đó rửa sạch móng tay và lau khô.
Cho làn môi xinh
31. Nên sử dụng son dưỡng môi có độ ẩm cao mỗi khi ra ngoài và trong môi trường có nhiệt độ khô hanh. Đồng thời, đeo khẩu trang và bôi kem dưỡng ẩm có độ SPF 15 mỗi khi ra ngoài để tránh làm môi bị cháy nắng.
32. Đừng liếm môi: hãy dùng kem ẩm để dưỡng môi trước khi tô son nếu môi bạn khô và nứt nẻ. Ngoài ra, bạn nên uống đủ nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh.
33. Hiểu rõ môi mình trước khi trang điểm: Môi là bộ phận nhạy cảm, đặc biệt vào mùa thu-đông vùng da môi thường bị khô, nẻ. Vì vậy trước khi trang điểm môi, bạn cần cung cấp đủ độ ẩm cũng như vitamin và khoáng chất giúp da môi không bị khô bằng loại son dưỡng môi với thành phần dưỡng ẩm cao rồi mới thoa một lớp son màu. Thay vì đánh son với lớp dày, bạn nên nhẹ tay hơn để tạo sự nhẹ nhàng, mềm mại vừa phải cho đôi môi. Cuối cùng có thể phủ bên ngoài một lớp son bóng để bạn sở hữu làn môi căng mọng và duyên dáng.
34. Đừng quên 3 cách chăm sóc môi đơn giản:
• Cách 1: Lấy một thìa cà phê bơ ca cao, 1 thìa cà phê dầu hạnh đào, 1 thìa cà phê mật ong. Trộn đều các thứ đó lên và ủ một thời gian đến khi nào hỗn hợp trên chảy ra, để tiếp vào tủ lạnh cho nguội rồi thoa lên môi 2 lần/ngày.
• Cách 2: 1 thìa cà phê mật ong, 2 thìa cà phê bột hạnh đào nhuyễn và ½ thìa cà phê sáp glycerin trộn đều lên rồi thoa lên môi ngày 3 lần.
• Cách 3: Sau khi đắp mặt nạ cho môi, dùng khăn sạch, ngâm vào nước nóng (nhiệt độ thích hợp). Dùng khăn ấm này, ủ đều lên môi trong vòng 5 – 7 phút thì bỏ ra. Làm đều đặn mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ rất hiệu quả, đặc biệt là vào thời tiết khô hanh.
35. Nên tẩy da chết cho môi: Bạn nên tẩy tế bào chết trên môi mỗi tháng hai lần. Dùng bàn chải đánh răng dành cho trẻ em và bôi lên một chút kem đánh răng, chà nhẹ lên hai vành môi và khóe miệng khoảng 5 giây. Sau đó rửa sạch bọt kem đánh răng và bôi son dưỡng ẩm môi.
(Theo Nhà Xuất bản y học)