Các món ăn Nhật Bản trông lúc nào cũng “nghệ” là nhờ làm theo nguyên tắc này
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, ngoài hương vị thì hẳn ai cũng sẽ có một ấn tượng chung chung rằng các món ăn của xứ sở Mặt Trời mọc thực sự rất… đẹp. Có thể đó là nhờ màu sắc, nhờ sự kết hợp các nguyên liệu, sự phân bố của món ăn khi trình bày. Hơn cả một món ăn mang tính hấp dẫn khiến ta thèm thuồng muốn thưởng thức, các món ăn Nhật còn mang một nét đẹp của sự sắp đặt, một nét nghệ thuật được con người cố tình tạo ra. Người Nhật “ăn bằng mắt” và điều này được thể hiện từ một hộp bento tạo hình dễ thương cho đến cách sắp xếp tỉ mỉ từng miếng cải bào, từng khối wasabi của những nhà hàng lớn.
Thậm chí, người dân xứ sở hoa anh đào còn có hẳn một trường phái riêng về nghệ thuật sắp xếp các món ăn gọi là Moritsuke. Đây là nghệ thuật tạo hình, trang trí và sắp xếp thức ăn của người Nhật, xoay quanh những yếu tố như sau:
Sự cân bằng
Một món ăn được xem như là đạt đến sự hài hoà khi nó “mang lại cảm giác yên bình” mỗi khi nhìn vào. Sự cân bằng trong quan điểm của người Nhật không liên quan đến tính cân đối, mà ngược lại, bạn có thể tận dụng sự trái ngược, sự mất cân đối để làm ra nét hài hoà. Hầu hết các món ăn Nhật bản nhìn từ trên xuống đều trông như thể được sắp xếp rất phóng khoáng, các đĩa đựng thức ăn không nhất thiết phải được đặt ngay ngắn, thẳng hàng hay theo một quy luật nhất định.
Trái lại, người Nhật tìm thấy vẻ đẹp trong sự mất cân đối và cả những con số lẻ như 3, 5 và 7. Trong đó, con số 5 đặc biệt xuất hiện trong nhiều phương diện. Số 5 đại diện cho năm giác quan (thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, thính giác), năm vị (chua, mặn, ngọt, đắng, umami) và năm màu sắc đỏ, xanh, vàng, trắng và đen. Ngoài ra, người Nhật cũng làm nổi bật sự cân bằng thông qua kết cấu tương phản của các loại nguyên liệu (trứng hấp mịn nhạt màu được đi kèm với trứng cá hồi đỏ sáng, tròn trịa chẳng hạn).
Lựa chọn bát đĩa
Nếu như người phương Tây thường chuộng các loại đĩa tối giản có màu sắc cổ điển, trang nhã, thường đi thành “bộ” thì người Nhật có xu hướng ngược lại. Người Nhật chọn những chiếc đĩa có hình dáng, màu sắc khác nhau và thoạt nhìn “không liên quan gì nhau”. Bát đĩa của người Nhật có đa dạng màu sắc và hình dáng, từ hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác, bát giác… với nhiều chất liệu từ sơn mài, men, sứ cùng nhiều hoa văn, hoạ tiết.
Bát đĩa được người Nhật chọn lựa tuỳ vào bản chất món ăn, thậm chí có khi người ta kỳ công thiết kế một món ăn để phù hợp với chiếc đĩa. Màu sắc bát đĩa Nhật Bản thường đa dạng và có phần tương phản nhau, tương tự với tư duy màu sắc được thể hiện trên các tấm vải kimono truyền thống.
Tính mùa màng
Người Nhật ăn ở theo mùa và có tập tính “mùa nào thức nấy” nổi tiếng. Bạn có thể dễ dàng nhận biết các món ăn theo mùa ở Nhật Bản mà không cần thực sự bước chân đến Nhật. Ấy là vì sẽ luôn có một dấu hiệu nào đó gợi ý về thời điểm mà món ăn được tạo ra. Ví dụ như nhiều nhà hàng sẽ kèm theo trên khay đựng thức ăn một cành hoặc một vài cánh hoa đào vào mùa xuân, một chiếc lá phong đỏ vào mùa thu hoặc giỏ trúc, giỏ mây vào mùa hè. Vào mùa xuân, các món ăn và bát đĩa được chọn theo hai màu chủ đạo là hồng và xanh lá, vào mùa thu sẽ là vàng và đỏ.
Khoảng trống
Khi đi ăn ở các nhà hàng Nhật, bạn sẽ hiếm khi thấy những chiếc đĩa được làm đầy. Gần như luôn có 30% diện tích đĩa được để trống. Người Nhật nổi tiếng với tính tối giản và đối với họ, khoảng trống không phải là vô định, không phải “trống rỗng” hoàn toàn mà là cửa ngõ cho sự tưởng tượng, sự tò mò và chiêm nghiệm.
Source (Nguồn): Metropolis Japan