Cách rèn khả năng tập trung cho trẻ theo từng độ tuổi

174
 

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT
Theo nghiên cứu, trẻ không thể tập trung phần lớn là do cha mẹ thiếu uốn nắn con từ bé. 
Mất tập trung xảy ra với mọi độ tuổi
Một tuần cùng con học trực tuyến ở nhà, chị Thuý Hà (quận Long Biên, Hà Nội) cảm thấy lo ngại khi thấy cậu con trai (Sóc, 6 tuổi) không ngồi học được quá lâu.
Trong khoảng thời gian 30 phút, Sóc rất dễ bị mất tập trung bởi những điều bình thường xảy ra xung quanh: Đang làm bài tập thì chạy ra khỏi chỗ lấy gọt bút chì; Đang tô màu thì đứng dậy đi tìm cục tẩy; Đang hát thì ngó ra ban công nhìn con ong đậu trên bông hoa. Vì thế, Sóc không thể làm xong một bài tập hay tô xong một bức tranh cô giáo yêu cầu.
Cùng cảm giác như chị Thuý Hà, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra ko lắng khi lên lớp con mình chỉ tập trung nghe giảng khoảng 10 – 15 phút, sau đó quay ngang, quay ngửa, trêu đùa hoặc nói chuyện với các bạn.
Khi ở nhà, các con thường vừa học vừa chơi hoặc lấy lý do đi vệ sinh, uống nước mặc cho mẹ hò hét ngồi vào bàn học.
Theo Chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Thanh Hương, Trung tâm tâm lý trị liệu PSY-HYP, việc trẻ con từ 5 – 7 tuổi thiếu tập trung khi học là một hiện tượng hết sức bình thường. Trẻ chỉ chú ý đến những gì mình thích, quan tâm. Nguyên nhân là do đại não của mỗi người đều có một thời kỳ hoạt động trong trạng thái hưng phấn ngắn ngủi.
Đối với trẻ, thời kỳ hưng phấn của đại não chỉ tồn tại trong mười mấy phút. Đây chính là lý do – theo Chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Thanh Hương – khiến trẻ không tập trung hay nghịch ngợm, nói chuyện với bạn khi lên lớp hay học bài ở nhà.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, thời gian tập trung của trẻ từ 3 – 8 tuổi chỉ khoảng 8 phút. Trẻ lứa tuổi này tập trung lâu nhất cũng không quá 13 phút. Còn từ 2 – 5 tuổi, trẻ rất khó để tập trung, dễ chán, dễ bỏ cuộc. Thế nên, việc trẻ mất tập trung là điều hoàn toàn bình thường.
Thực tế, trẻ bị mất tập trung có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Một số trẻ không thể tập trung do thiếu tính kỷ luật mà phần lớn là do cha mẹ không uốn nắn từ bé. Lâu dần trở thành thói quen và càng lớn sẽ càng khó cải thiện.
Tuy nhiên, sự mất tập trung của trẻ không đáng ngại. Cha mẹ hoàn toàn có thể đồng hành cùng con từ những ngày đầu đời để vượt qua vấn đề này.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.
 

Việc bé dẫn đường cho thành công lớn
Chị Trương Thuỳ Chi, tác giả cuốn sách “Xắn tay áo lên… làm bố mẹ” chia sẻ rằng, chị đã thực hiện cùng con để từng bước giúp con tăng khả năng tập trung. Bắt đầu từ những việc vặt tốn ít thời gian như vo gạo, bóc trứng, rắc hạt lên bánh…
Vì khoảng thời gian tập trung của trẻ rất ngắn nên những việc làm cùng con đều phải có thời gian ngắn. Cần đặt ra mục tiêu hoàn thành công việc, càng chi tiết càng tốt và cùng con phấn đấu hoàn thành.
Nguyên tắc đầu tiên cha mẹ cần nhớ, số phút con có thể tập trung là lấy số tuổi của con cộng với một. Chẳng hạn đối với trẻ 2 tuổi, các hoạt động cha mẹ xây dựng chỉ nên gói gọn trong 3 phút. Hiểu được điều này, cha mẹ sẽ không còn thắc mắc tại sao trẻ lại kém tập trung như thế.
Ví dụ, trước khi cùng con làm bánh, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn bát bột, đập trứng, đong bát đường muối, thậm chí mọi dụng cụ cũng đặt trước mặt. “Mình cũng từng có giai đoạn mắc sai lầm nghiêm trọng khi muốn con cùng làm bánh, nhưng chốc chốc lại đợi mẹ lấy trứng, cân bột hay đong dầu… Và khoảng thời gian đợi mẹ đấy là lúc trẻ chán nhất vì đã không được làm gì, lại còn phải đợi”, chị Trương Thuỳ Chi chia sẻ.
Yếu tố quan trọng thứ hai là tạo cảm hứng. Theo chị Chi, trẻ càng lớn thì yếu tố hứng thú càng quan trọng vì lúc này con đã hiểu biết hơn, có nhiều thứ khác để quan tâm. Nếu muốn cùng con làm một cái bánh, hãy kể cho con nghe các bước cần phải làm, làm trong bao lâu, thậm chí cho con tự đặt thời gian, vừa làm bánh vừa nghe nhạc, xem clip…
Nhờ cùng con làm những việc vặt, chị Chi khá hài lòng về sự kiên trì, không bỏ cuộc và tập trung làm một công việc của con. “Dù tất nhiên vẫn có những lúc con hơi thiếu kiên nhẫn nhưng mình lại động viên, cùng con chia từng bước nhỏ, cùng nghĩ cách làm lại cho đúng hơn”, chị nói.
“Các con đều nhỏ tuổi. Điều chúng ta hi vọng con sẽ làm được trong giai đoạn này chính là tự tin vào bản thân mình, rằng con có thể làm được, và sẽ làm được, theo cách này hay cách khác. Và bố mẹ chính là những người dẫn đường có thể làm được việc đó. Sự rèn luyện sẽ cho trẻ có được thói quen, hình thành nhân cách, góp phần vào thành công khi trưởng thành”, chị Trương Thuỳ Chi nhấn mạnh.
“Làm việc vặt là một trong những cách hiệu quả để rèn khả năng tập trung cho trẻ. Ví dụ, nhờ con bóc vỏ trứng, nhặt rau hay nhổ tóc sâu chẳng hạn… Trẻ sẽ bóc vỏ trứng cho vào bát hoặc để lên bàn thay vì ném lung tung. Những trẻ lớn hơn có thể tập cắt trứng. Vì vậy, cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn dụng cụ như bát đựng vỏ, khăn ướt lau tay cho trẻ thực hành. Đây là một hoạt động đơn giản và vui vẻ mang tới kỹ năng thiết yếu như tập trung, sự quyết tâm, kiên nhẫn” – Chuyên gia tâm lý Phan Linh, thành viên của Hiệp hội Trị liệu tâm thần dành cho các gia đình ở Nauy gợi ý tới các phụ huynh. 
Lan Anh