DIỆN MẠO MỚI CỦA GIÁO DỤC VĨNH LONG

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh Vĩnh Long đã bắt tay vào xây dựng, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. 48 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành của UBND tỉnh, Vĩnh Long đã vươn lên trở thành tỉnh Khá trong khu vực ĐBSCL. Một trong những thành tựu nổi bật là công tác giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí cho người dân. Trong đó, đổi thay rỏ nhất là sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất trường lớp.
Nếu như trước đây, nhiều trẻ mầm non phải học nhờ, học gửi ở các trường Tiểu học, nhà Văn hóa xã với điều kiện học tập, vui chơi hết sức khó khăn, thiếu thốn mọi thứ, nhất là ở vùng nông thôn thì hiện nay, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, rộng rãi như thế này đã được xây dựng phủ khắp các xã, phường, thuận lợi cho công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Cô Lâm Thị Trúc Linh, Giáo viên Trường mầm non Họa Mi, huyện Long Hồ
Hiện nay điều kiện rất là tốt. Trường xây dựng rộng, diện tích đủ cho trẻ hoạt động. Bên cạnh điều kiện dạy và học, ở đây cũng chăm sóc cho trẻ và cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh nên phụ huynh cũng an tâm đưa trẻ đến trường.
Chị Chế Minh Châu, Phụ huynh học sinh huyện Long Hồ
“Tôi cảm thấy rất vui mừng phấn khởi vì hiện nay những ngôi trường rất thuận lợi cho bé học tập, vui chơi. Thầy cô giáo rất nhiệt tình chăm sóc các bé làm cho tôi cũng cảm thấy yên tâm khi giao cả ba đứa con của tôi đến học tại ngôi trường này.”
Không chỉ Mầm non, Tiểu học mà giáo dục Trung học cũng được quan tâm, đầu tư phát triển. Nhiều ngôi trường trăm tỷ, đạt chuẩn quốc gia được xây dựng mới, đưa vào hoạt động không chỉ mang đến niềm vui, động lực, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục mà còn làm thay đổi diện mạo của vùng quê.
Em Trương Hoàng Phi, Học sinh trường THPT Nguyễn Hiếu Tự, huyện Vũng Liêm
“Ngôi trường hiện tại rất là hiện đại, sạch sẽ, đầy đủ cơ sở vật chất, góp phần tạo nên động lực học tập cho em.”
Cô Bùi Thị Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự, huyện Vũng Liêm   
“Không chỉ trường tôi mà tôi thấy các trường trong huyện cũng như trong tỉnh được đầu tư xây dựng, bổ sung duy tu thêm các trang thiết bị làm cho bộ mặt của các nhà trường ngày càng khang trang hơn. Điều này làm cho chúng tôi rất là phấn khởi. Từ đó giúp cho chúng tôi cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy học tập cũng như quản lý để làm sao nâng cao chất lượng giáo dục.”
Năm 1975, Vĩnh Long chỉ có 2 trường trung học công lập, 1 trường bán công, 2 trường tư thục, 1 số trường tỉnh hạt và gần 30 trường tiểu học với hơn 2.700 giáo viên. Sau 48 năm thống nhất đất nước, mạng lưới trường lớp được phủ kín tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh và được xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Toàn tỉnh hiện có gần 400 trường mầm non, phổ thông, trong đó có hơn 64% trường học đạt chuẩn quốc gia; 8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên và nhiều trường đại học, Cao đẳng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó  Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long
Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và nỗ lực cố gắng của toàn ngành thì có thể thấy trong thời gian qua diện mạo của giáo dục đã có rất nhiều thay đổi. Trường lớp được rà soát, sắp xếp lại ngày càng hợp lý, đầu tư xây dựng mới theo hướng chuẩn hóa. Sự thay đổi về cơ sở vật chất đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi chất lượng giáo dục của tỉnh nhà và cũng đã giúp cho ngành giáo dục thực hiện tốt mục tiêu đổi mới giáo dục.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục-đào tạo trong giai đoạn mới, tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đề án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường Mầm non, Phổ thông gắn với kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng  trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.
Phạm Tuấn