Làm mẹ có được phép ‘ngủ nướng’?

128
Tôi thích ngủ muộn, đó là thói quen nhiều năm. Nhưng sáng sớm vẫn dậy trước 7h để nấu bữa sáng cho con trai trước giờ đi học.
Bà mẹ hàng xóm thậm chí thức giấc còn sớm hơn, lúc 5h sáng bởi có đứa con sắp thi đại học. Cô cần phải nấu bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho con. Trải nghiệm dậy sớm của tôi cũng như cô hàng xóm nhiều năm qua có lẽ là thói quen bình thường của vô số bà mẹ khác. Muốn ngủ muộn khi đã làm mẹ, có lẽ chỉ trong mơ!
Con gái tôi thỉnh thoảng thức dậy trước mẹ. Mỗi lần như vậy, nó đều tìm cách kéo tôi ra khỏi giường. Dù cố nán lại nhưng con bé vừa la vừa khóc, khiến tôi đành rũ chăn đứng dậy. Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: “Phải chăng làm mẹ, chẳng ai có thể ngủ đủ giấc?”
Một video nói về người mẹ muốn ngủ thêm nhưng bị các con đánh thức dậy cho bằng được. Ảnh: zhihu.

Một video nói về người mẹ muốn ngủ thêm nhưng bị các con đánh thức dậy cho bằng được. Ảnh: zhihu.

Có một video kể về hai đứa trẻ nghịch ngợm, bà mẹ lại muốn ngủ thêm. Hai đứa trẻ túm lấy chân mẹ chọc ngoáy, đứa khác lấy chiếc kèn nhựa nhằm trước đầu mẹ, thổi mạnh bạo. “Chúa không thể đánh thức một người đang giả vờ ngủ, nhưng bọn trẻ đặc biệt tự tin có thể đánh thức mẹ mình”, người mẹ trong video cười nói.
Theo người phụ nữ này, sinh con giống như việc sinh ra một chiếc đồng hồ báo thức, nó sẽ reo lên từng phút khi cần. “Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều khao khát hạnh phúc: giàu có, sự nghiệp, có người yêu…. Nhưng khi làm mẹ, tôi phát hiện rằng một trong những hạnh phúc lớn nhất là thức dậy một cách tự nhiên, khi không có những đứa trẻ quấy rầy giấc mơ của mình”, người mẹ trong video nói.
Nghe đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Khi con lớn và hiểu chuyện, người mẹ chắc sẽ có giấc ngủ ngon?”. Nhưng sự thật mỗi tuổi lại có nỗi lo riêng, khiến phụ nữ khó có cơ hội được sâu giấc.
Nữ diễn viên Trung Quốc Tạ Na từng chia sẻ, trước khi lấy chồng cô thường ngủ đến trưa mới dậy. Nhưng khi đã là một người mẹ, cô thường thức dậy lúc 6h30 mà không cần báo thức. “Có một sợi dây báo thức trong cơ thể khiến tôi luôn thức dậy đúng giờ”. Tên của sợi dây này chính là tinh thần trách nhiệm và ý thức sứ mệnh.
Nữ diễn viên Tạ Na của Trung Quốc. Ảnh: qq

Nữ diễn viên Tạ Na của Trung Quốc. Ảnh: qq

Trở thành mẹ, dù ý thức hay vô thức, phụ nữ đều từ bỏ sở thích ngủ nướng và đồng hồ sinh học được điều chỉnh lại một cách hoàn toàn tự nhiên.
Nhiều người khi đã làm mẹ, không chỉ xác định lại ban đêm mà còn “điều chỉnh” lại bình minh. Trong thời kỳ nuôi con sơ sinh, họ thức dậy nhiều lần trong đêm, cho con bú, dỗ con ngủ, nhìn màn đêm dần tắt và đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Trẻ con có thể ngủ xuyên đêm khi cai sữa nhưng người mẹ vẫn không thể ngon giấc. Họ sẽ lo lắng về việc đứa trẻ đạp chăn, dễ rơi khỏi giường vì vặn vẹo, chưa kể có thể đánh thức mẹ bất kỳ lúc nào chúng muốn ăn vạ.
Khi con bắt đầu đi học, mẹ chỉ ngủ lim dim vì sợ nhỡ giờ học của con hay đến giờ gọi trẻ dậy sau khi đã chuẩn bị bữa sáng tươm tất. Đứa trẻ vào đại học, người mẹ không cần dậy sớm nhưng bởi thói quen đã theo suốt 18 năm, không thể ngủ tiếp khi bình minh tới.
Sau khi làm mẹ, nhiều phụ nữ hiểu rằng “đã làm mẹ thì không thể ngủ dậy muộn”. Vì thương con nên dù mệt hay buồn ngủ, mẹ cũng buộc phải đứng dậy khỏi giường. Ngay cả khi đồng hồ sinh học bị rối loạn, họ phải đảo ngược bản thân.
Một cuộc khảo sát tại Australia cho thấy, những người mới làm mẹ thiếu ngủ trong thời gian dài rất dễ mệt mỏi, cáu gắt, suy giảm trí nhớ, … Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà những cảm xúc tiêu cực còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.
Điều mà một gia đình hạnh phúc cần không phải là người mẹ ngủ không đủ giấc mà là người mẹ tràn đầy năng lượng.
Có một gia đình ở Hồ Nam (Trung Quốc), cậu con trai 11 tuổi nấu bữa sáng trong kỳ nghỉ đông, còn người mẹ ngủ đến 10h vẫn chưa dậy. Con trai vừa lay mẹ vừa lầm bầm: “Không hiểu sao mẹ lại sướng thế này. Mấy ngày nay, ngày nào cũng ngủ đến trưa, trong khi mọi người đều dậy sớm lau dọn, nấu ăn”.
Người mẹ ở Hồ Nam hạnh phúc tỉnh giấc khi cơm canh đã được bố con chuẩn bị chu đáo trong kỳ nghỉ đông. Ảnh: zhihu.

Người mẹ ở Hồ Nam hạnh phúc tỉnh giấc khi cơm canh đã được bố con chuẩn bị chu đáo trong kỳ nghỉ đông. Ảnh: zhihu.

Cậu bé vừa hoàn thành xong bữa cơm, còn nhờ em trai lau sàn và phơi quần áo. Người dùng mạng Trung Quốc đặt câu hỏi: “Làm thế nào người mẹ lại có thể nuôi dậy những đứa con siêng năng và ngoan ngoãn như vậy?”. Lý do là ở người bố.
Mỗi sáng khi vợ đang ngủ say, bố sẽ đánh thức hai con dậy rồi ba bố con tất bật vào bếp. Theo người đàn ông này, hạnh phúc của gia đình không phụ thuộc vào độ chăm chỉ của người mẹ. Anh thỉnh thoảng vẫn tạo cơ hội cho vợ mình- người thường mệt mỏi vì những việc không tên- tạm thời trút bỏ tình trạng căng thẳng bằng những giấc ngủ ngon.
Dù nhiều lúc anh đùa vợ là “người đàn bà lười biếng” nhưng với thái độ yêu thương, luôn mỉm cười và tiếp tục làm việc. Mặc dù người vợ vẫn ngáp dài nhưng khi ngửi mùi thức ăn thơm trong bếp và nghe thấy sự tương tác giữa chồng và hai con, cô mỉm cười bước ra khỏi giường.
Làm mẹ, nếu có một lý do để không phải dậy sớm thì ắt hẳn sẽ có người chồng hiểu nỗi vất vả của vợ. Anh sẵn sàng tạo cơ hội để vợ được ngủ ngon. Người đàn ông này hiểu rằng chỉ cần người mẹ ngủ đủ giấc và đủ năng lượng, con cái có thể được chăm sóc tốt hơn và gia đình luôn vui vẻ.
Bài viết của nhà xã hội học Lý Hạch Đào (Trung Quốc).
Hải Hiền (Theo sohu)