Mua sắm trực tuyến lên ngôi, shipper kiếm nửa triệu mỗi ngày
Tại Hà Nội những ngày này, một số khu vực tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn, shipper xếp hàng chờ nhận món khá đông, nhất là vào hai khung giờ cao điểm trưa và chiều tối.
Hàng quán không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán mang về, nhiều shipper của các ứng dụng xe công nghệ lại tất bật khi đơn hàng “nổ” liên tục. Không chỉ dịch vụ giao đồ ăn, các shipper trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online… cũng bội thu.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với thời tiết nắng nóng khiến các đơn hàng tăng vọt nên thu nhập của các shipper cũng tăng theo. Trung bình một ngày, mỗi nhân viên giao hàng có thể kiếm 400.000 – 500.000 đồng trở lên, gấp rưỡi đến gấp đôi so với bình thường.
Anh Lê Văn Long (quận Cầu Giấy) vừa giao một đơn hàng bún riêu cho khách, vừa bấm nút hoàn thành đơn, điện thoại của anh lại thông báo có một đơn hàng giao thức ăn khác.
“Từ sáng đến giờ tôi đã giao tổng cộng hơn 10 đơn hàng, cũng may vị trí nhà hàng và chỗ cần giao khá gần nên không tốn nhiều thời gian, đi được nhiều đơn. Mấy hôm nay, giao đồ ăn với cà phê được lắm. Hàng quán không bán tại chỗ, người ta ngồi tại nhà đặt đồ ăn nên đơn hàng cứ tới liên tục” – anh Long hồ hởi nói.
Tại các kho hàng của các sàn thương mại điện tử, shipper tất bật ra vào liên tục lấy hàng để kịp giao cho khách. Anh Nguyễn Văn Tú (27 tuổi, shipper tại Hà Nội) trong lúc chờ lấy đồ ăn chia sẻ: “Mặc dù cho thời tiết nắng nóng nhưng tôi cũng như các tài xế khác vẫn cố gắng nhận nhiều đơn nhất có thể vì trước đây ngày bình thường chỉ nhận được 3 – 4 đơn một ngày, chấp nhận mặc quần áo dày kín hơn để tránh nắng dù hơi vất vả nhưng vì công việc nên phải chấp nhận”. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên đều chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, giãn cách khi chờ lấy hàng… để bảo vệ cho an toàn cho bản thân và người khác.
Theo anh Tú, thu nhập của các shipper cộng tác với ứng dụng như Grab sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km tính đơn giản một đơn hàng có quãng đường giao 10km và chi phí trích lại cho Grab là 20%, như vậy (tương đương 14.000 đồng/đơn/10km), phần còn lại là thu nhập của shipper.
Nguyễn Đức Hậu (sinh năm 1997, quê Hà Nam, vốn là xe ôm nay chuyển sang làm giao hàng nhanh) thông tin: “Với khoảng 50 đơn hàng mỗi ngày giúp tôi thu về 700.000 đồng. Tính ra, nghề giao hàng vừa ổn định vừa đỡ vất hơn là chạy xe ôm. Tôi làm chuyên cho 1 quán nên việc cũng đều, lương thưởng khá ổn định”.
Chạy trên đường liên tục, không ngơi nghỉ trong mùa dịch lại phải tiếp xúc với nhiều người lạ trong một ngày khiến công việc của người giao hàng đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Tuy nhiên, dù vất vả nhưng những ngày qua, các shipper có nhiều việc làm, mang lại thu nhập khá, để hỗ trợ gia đình trong giai đoạn khó khăn này.
Chị Thu Trà (35 tuổi, nhân viên máy tính ở phố Thái Hà) chia sẻ: “Nhiều khi đặt đồ ăn cho mọi người ở công ty mà shipper giao lâu cũng hơi bực nhưng lúc shipper đến thì lại thấy thương, trời nắng 39 đến 40 độ C, mồ hôi đầm đìa vẫn cố gắng giao cho mình. Thấy cảm mến nên mình thường trả thêm chút ít mời các bạn cốc nước”.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.