Những lý do khiến bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.
Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
dot quy1
Đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng nhanh chóng (Ảnh minh họa)
Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong hơn một tháng qua (từ ngày 9/11 đến 15/12/2020) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…
Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.
Vì sao đột quỵ có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi?
Ăn uống không lành mạnh
Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo như thức ăn nhanh, nội tạng động vật, thực phẩm ngọt nhiều đường, … có nguy cơ khiến mỡ máu tăng cao. Đồng thời những tác nhân này sẽ bám vào thành mạch máu rất dễ khiến gây tắc nghẽn. Trong khi đó, những thực phẩm trên là một trong những món sở trường của giới trẻ hiện nay và là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi hàng đầu.
Hút thuốc lá
hut thuoc
Ảnh minh họa
Khoảng 50 % số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá, những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não. Thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não. Việc thay đổi nhận thức và hành vi hút thuốc của người trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Những nghiên cứu này đang gióng thêm một hồi chuông cảnh báo cho những người đã và đang có thú vui độc hại này.
Uống nhiều bia rượu
Chất cồn trong rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng khả năng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Kết hợp với bia rượu là việc sử dụng đồ nhậu nhiều dầu mỡ, chất béo khiến cho nguy cơ mắc bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng cao. 90% các cơn đột quỵ xảy ra đều do điều này.
Làm việc quá sức
Khi làm việc quá sức sẽ gây những áp lực lớn lên não. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với những áp lực, căng thẳng khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột gây nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.
Tình trạng thừa cân
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây nên tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Khi cơ thể tiêu thụ lượng thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao. Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cho cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ.
Lười vận động
Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi là do lười vận động. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo người trẻ phải chăm tập thể dục. Hoạt động nhiều khiến cho cơ thể đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu và giúp ổn định cân nặng, giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Cách phòng tránh bệnh đột quỵ não
Phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng các tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
Người có nguy cơ kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch…bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kì để có sự điều chỉnh phù hợp.