Thói quen hàng ngày giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm

161

Bệnh trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa. Bên cạnh nguyên nhân đến từ yếu tố di truyền, cấu trúc não bộ bất thường hoặc những ký ức tuổi thơ bất hạnh, bệnh còn có thể xảy ra do nhiều yếu tố chủ quan khác. Vậy bạn cần làm gì để ngăn ngừa trầm cảm?

Thói quen lành mạnh giúp não tạo “phản ứng hạnh phúc” và kiểm soát suy nghĩ tiêu cực. Bạn cần làm gì để xây dựng thói quen lành mạnh, ngừa bệnh trầm cảm?

1. Viết nhật ký

Viết lách là cách giải phóng cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Khi tâm trí có nhiều suy nghĩ rối ren, bạn hãy viết thật nhanh những gì bạn cảm thấy, nghĩ ngợi. Đây là cách hay để bạn kết nối với thế giới nội tâm của mình.

Bên cạnh đó, khi có những cảm xúc cực đoan như tức giận, buồn bực, khó chịu… viết ra giấy giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Từ đó bạn cũng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về tình huống mình đang gặp phải, điều gì/ai đang cản trở bạn để “gỡ rối” đúng cách.

Viết lách cũng có thể giúp bạn đồng cảm với người khác. Việc không vội phản ứng bằng cảm xúc tiêu cực sẽ cho bạn thời gian nhìn lại và nghĩ xem bạn có thể làm điều gì tốt hơn cho mối quan hệ của bạn.

2. Ngủ đủ giấc

thói quen ngừa bệnh trầm cảm

Rối loạn giấc ngủ là một trong các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Đó là khi bạn nằm trằn trọc suốt đêm, tỉnh giấc giữa đêm và không ngủ tiếp được hay mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.

Khi cơ thể được nghỉ ngơi đúng cách, hệ miễn dịch sẽ tự chữa lành, não được nghỉ ngơi và năng lượng được lưu trữ cho ngày tiếp theo. Thiếu ngủ, mệt mỏi còn khiến bạn dễ ăn quá độ, tâm trạng trở nên cáu kỉnh.

Hãy cố gắng phát triển thói quen ngủ lành mạnh để phòng tránh các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, việc thiết lập giờ ngủ, dậy đều đặn cũng sẽ cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của bạn.

3. Tập thể dục – thói quen ngừa bệnh trầm cảm

Tập thể dục đều đặn giúp cơ thể sản sinh endorphin – một hormone “hạnh phúc”, giúp giảm stress và xoa dịu cơn đau. Chỉ cần tập luyện 30 phút/ngày, 3-5 lần/tuần, tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện. Từ đó, bạn sẽ ngủ ngon hơn và có nhiều năng lượng tích cực.

Bên cạnh đó, việc tập trung vào chuyển động của cơ thể trong quá trình tập luyện sẽ giúp bạn bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực. Việc đặt ra mục tiêu tập luyện và đạt được các mục tiêu đó sẽ giúp bạn thúc đẩy sự tự tin và nắm được quyền kiểm soát cuộc sống của mình.

4. Ăn uống lành mạnh

thói quen ngừa bệnh trầm cảm

Uống đủ nước là một trong những cách giúp ngăn ngừa trầm cảm. Lý do là vì khi thiếu nước, bạn sẽ dễ trở nên lờ đờ, gắt gỏng và đau đầu. Hơn nữa, cơ thể thường nhầm lẫn việc thiếu nước với cảm giác đói. Điều này khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn, làm tăng khả năng dư cân, béo phì, tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn thực phẩm có ý nghĩa lớn trong việc quyết định trạng thái tinh thần của bạn. Một chế độ ăn nhiều đường và đồ chế biến, đóng hộp dễ khiến tâm trạng bạn tệ hơn. Để khắc phục, bạn hãy thường xuyên nấu ăn từ nguồn nguyên liệu tươi mới. Thực phẩm tốt cho não bộ thường chứa nhiều axit béo và các loại axit amin. Chúng được tìm thấy nhiều trong cá, sản phẩm từ sữa, các loại đậu, ngũ cốc, dầu ô liu, trái cây tươi và các loại rau, củ…

5. Thiền định giúp phòng bệnh trầm cảm

Thiền định giúp bạn tập trung vào hiện tại, ổn định tâm trí theo từng nhịp thở. Nó còn giúp bạn rèn luyện trí não để chọn lọc suy nghĩ tích cực thay vì bị nhấn chìm với những suy nghĩ tiêu cực.

Hơn nữa, bạn sẽ bắt đầu cởi mở hơn để đón nhận những cảm xúc tiêu cực thay vì bị nó nhấn chìm. Thiền định là cách tuyệt vời để đưa tâm trí bạn tĩnh lặng và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực thành suy nghĩ tích cực.

Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian kết nối với người thân và bạn bè xung quanh. Thời gian một mình để nghỉ ngơi và soi chiếu lại bản thân sẽ hữu ích cho sức khỏe tinh thần nếu nó không kéo dài quá lâu. Khi được trao đổi năng lượng tích cực với người khác kết hợp cùng các thói quen lành mạnh hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống cũng như tạo ra hệ miễn dịch tinh thần giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm.

Các bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.