TÌNH TRẠNG RẮN ĐỘC VÀO NHÀ TẤN CÔNG NGƯỜI DÂN Ở NGHỆ AN

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục ghi nhận các trường hợp người dân bị rắn độc tấn công, trong đó rất nhiều ca bị rắn cắn ngay trong nhà, thậm chí là trên giường ngủ. Điều đáng lo ngại hơn là đã có những trường hợp tử vong do nạn nhân không được sơ cứu đúng cách.
Tối 8/7, một cháu bé ở xã Hưng Đông, TP. Vinh ra phía sau nhà thì bị một con rắn cạp nong cắn vào chân. Rất may cháu được bà nội kịp thời sơ cứu và đưa đi bệnh viện nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Khoa Chống độc, Bệnh viên Hữu nghị đa khoa Nghệ An hiện đang điều trị cho 4 bệnh nhân bị rắn cắn. Một trường hợp ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc cho biết, vào khoảng 2h sáng ngày 7/7, trong lúc đang ngủ trên giường thì bị một con rắn độc cắn vào vùng cổ và bắp tay… 6h sáng hôm sau, bà lên cơn đau dữ dội, tê liệt tứ chi và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Vào mùa hè, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An tiếp nhận khoảng 50 trường hợp bị rắn độc cắn, chủ yếu là các loại như rắn hổ, cạp nia, cạp nong… Việc sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giúp người dân vượt qua nguy hiểm, thuận lợi cho quá trình chữa trị.
Bác sĩ NGUYỄN VĂN THỦY – Trưởng khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
“Bệnh nhân sau khi bị rắn cắn chúng ta cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt, với các loại rắn hổ thì thời gian vàng để điều trị huyết thanh chỉ tới 20h đầu, nhiều loại rắn gây các triệu chứng tiến triển xấu rất nhanh ví dụ như loại rắn cạp nông, cạp nia có thể gây ra biến chứng suy hô hấp và có thể ngừng tim.”
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị rắn độc tấn công, nạn nhân cần sớm rời khỏi vùng nguy hiểm. Ghi nhớ tên, đặc điểm loại rắn đã tấn công mình để thuận lợi cho quá trình điều trị. Không tự ý mổ xẻ, bóp nặn vết thương để tránh độc tố phát tán và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị./.
Chương trình Người đưa tin 24G phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Quang Tiến và Thiện Linh