Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM khởi động cuộc thi InnoWork 2021

147
Đây là cuộc thi phát triển ứng dụng trên nền tảng WISE-PaaS, dành cho những sinh viên yêu thích công nghệ hiện thực hóa các ý tưởng.

Tối 18-3, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM đã phát động chương trình WISE-PaaS@Education (InnoWorks 2021) với sự phối hợp của Cục công tác phía Nam Bộ KH-CN và Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology. Chương trình đã thu hút hàng trăm sinh viên yêu thích công nghệ tham gia.

Với mục đích thúc đẩy phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực IoT, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên theo định hướng chiến lược “make in Việt Nam”, cuộc thi sẽ hỗ trợ sinh viên có cơ hội làm việc trực tiếp với nền tảng công nghệ AIoT. Từ đó, sinh viên có thể hiện thực ý tưởng của mình về ứng dụng IoT, AI trong các lĩnh vực công nghiệp.

Đại diện các đơn vị chia sẻ với sinh viên về cuộc thi

Cuộc thi được tổ chức đồng thời tại 11 quốc gia trên thế giới gồm: Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái lan, Singapore, Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Ba Lan, Mexico, Brazil. Các đội đạt giải cao tại mỗi quốc gia sẽ có cơ hội tham gia thi và giao lưu với các đội khác tại vòng thi Thế giới.

Cuộc thi sẽ tổ chức thành 5 giai đoạn: đào tạo cơ bản và nâng cao về nền tảng WISE-PaaS (từ 21-3 đến 21-4), vòng Phát triển sản phẩm (từ 21-4 đến 20-5), vòng Chung kết (từ 20- 5 đến 17-6). Hai trong số 9 thành viên của đội đạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ có cơ hội thực tập 3 tháng (có lương) tại Công ty TNHH Advantech Việt Nam. Cuối cùng, đội xuất sắc nhất các quốc gia sẽ thi cùng nhau vào ngày 30-9.

Hàng trăm sinh viên đam mê khoa học công nghệ tham dự cuộc thi

Những đội tham gia phải đạt tối thiểu 3 lớp đào tạo về nền tảng WISE-PaaS mới được tham gia vào vòng Phát triển sản phẩm, những thiết bị sử dụng trong vòng thi này sẽ được tài trợ miễn phí. Bên cạnh đó, xuyên suốt chương trình sinh viên tham dự sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các Kỹ sư của Công ty Advantech. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 120 triệu đồng.

Chia sẻ tại buổi phát động, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ KH-CN, cho rằng cuộc thi này là chuỗi hoạt động giúp sinh viên thoát ra khỏi giáo trình để sáng tạo, bắt kịp “cuộc đua” chuyển đổi số. Đây là cơ hội để sinh viên thực hiện những dự án mang tính ứng dụng cao, giải quyết các bài toán thực tế hiện nay như môi trường, nông nghiệp, nguồn nước, khí hậu…

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ KH-CN

PGS-TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên – ĐHQG TP HCM, cho biết AIoT là sự kết hợp thú vị giữa Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, có tiềm năng ứng dụng lớn. Chúng ta có thể đưa những thuật toán xử lý thông minh vào những thiết bị, ứng dụng thông minh để phục vụ cuộc sống.

“Thông qua sân chơi thú vị này sinh viên có thể phát triển được tư duy sáng tạo, những ý tưởng độc đáo. Từ đó, sản xuất ra những sản phẩm phục vụ thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày.” – ông Triết cho hay.

Ng. Thuận