Vì sao tiền điện tăng vọt?

164
Nhu cầu dùng điện vào mùa nắng nóng tăng cao, người dân ở nhà nhiều vì dịch Covid-19, cộng thêm biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc lỗi thời khiến tiền điện tăng vọt.
Miền Bắc và miền Trung bước sang thời tiết nắng nóng cao điểm, nhu cầu sử dụng quạt, điều hoà và các thiết bị làm mát tăng rất cao. Trong khi đó, bối cảnh năm nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Người dân thực hiện cách ly xã hội nên phải ở nhà nhiều hơn, cũng khiến việc sử dụng điện sinh hoạt tăng theo.
Theo ghi nhận của Zing, người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 (chốt trong khoảng 16/5-15/6) với số tiền tăng vọt. Nhiều hộ dân cho biết chi phí tiền điện tăng cao so với thông thường.
Một số khách hàng cho rằng bên cạnh lý do thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng điện nhiều thì thang bậc tính giá lỗi thời với nhiều bậc quá nhỏ cũng là một nguyên nhân chính khiến số tiền điện tăng cao đột biến. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cách tính giá điện 6 bậc hiện tại có nhiều điểm bất hợp lý, cần sớm sửa đổi theo hướng phù hợp với số đông người tiêu dùng.
Cách tính giá bậc thang giữ nguyên từ 2013 đang bộc lộ nhiều nhược điểm. Ảnh: EVN.
Giá điện theo 6 bậc quá chênh lệch
Trao đổi với Zing, PGS TS Lê Nguyên Minh, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, cho biết ở Việt Nam từ tháng 5-9, mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình tăng khá cao, gấp khoảng 2 lần so với các tháng còn lại.
Theo ông, do cách tính giá điện từ bậc 5-6 (từ 300kWh trở lên) chênh lệch khá cao so với giá điện bậc 1-4 (dưới 300kWh), khoảng 38%. “Có nghĩa, nếu lượng điện tiêu thụ vượt 300 kWh/tháng thì hộ gia đình phải chịu chi phí tiền điện tăng nhanh. Đó là lý do làm giá điện tăng vọt lên”, ông giải thích.
Theo cách tính giá điện theo 6 bậc hiện nay, một hộ gia đình tiêu thụ tháng 5 là 300 kWh điện thì số tiền cần trả là 688.160 đồng. Nếu sang tháng 6, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%. Tăng tăng chi phí là 27,18%, cao hơn mức tăng sử dụng là 20%.
Tương tự, nếu lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán lên đến 1,6 triệu đồng, tăng 138,87% so với tháng 5. Chưa kể hiện nay tỷ trọng hộ dùng điện ở nhóm khách hàng thấp (50 kWh) đang giảm dần, nhóm trung bình và cao (200-300 kWh và 301 kWh trở lên) tăng nhanh chóng.
GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng bình thường người tiêu dùng thường sử dụng điện ở bậc 3-4, vào mùa nắng nóng lượng điện tiêu thụ cao có thể tăng lên bậc 5-6. “Do đó mà số tiền điện phải trả tăng vọt theo”, ông nói.
Về phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc mà Bộ Công Thương từng đưa ra vào năm 2020, ông Long đánh giá sự điều chỉnh này không khác biệt lớn về giá điện.
Phương án này đã gộp 2 bậc đầu tiên từ 0-50 kWh và từ 51-100 kWh thành một bậc. “Hộ gia đình trước đây đang ở mức 50 kWh nay sang mức 100 kWh thì sẽ có sự thay đổi nhỏ. Còn những bậc sau hầu như không có sự thay đổi”, ông phân tích.
vi sao tien dien tang vot
Mức chênh lệch giá tiền của các bậc thang giá điện và số lượng hộ gia đình sử dụng tương ứng. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
GS Trần Đình Long đề xuất chỉ duy trì 3 bậc với tiêu chí tổng doanh thu của EVN về điện thương phẩm không thay đổi. Theo đó, bậc thấp nhất dành cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giá điện sẽ thấp hơn mức giá Chính phủ quy định. Bậc 2, bằng giá trung bình quy định. Còn bậc 3 là các hộ dùng điện nhiều sẽ phải trả mức giá cao hơn.
“Như vậy, bậc giá cao hơn sẽ bù lại cho bậc có mức giá thấp hơn quy định”, ông cho biết.
Theo Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, trong tương lai, cần nhanh chóng thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. “Đến năm 2024, phải thực thi được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh này. Để làm được điều này, Bộ Công Thương cần nhanh chóng xúc tiến ngay chuyện 3 bậc, sau vài năm sẽ tiến đến chỉ còn một bậc”, ông nói.
Khi nào biểu giá bán lẻ điện được thay đổi?
Trước đó, năm 2020, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc, song đến nay các đề xuất này vẫn chưa có tiến triển.
Theo đề xuất, giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101-200 kWh; bậc 3 mới từ 201-400 kWh; bậc 4 mới từ 401-700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Trao đổi về vấn đề sửa đổi giá điện bán lẻ, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong quá trình nghiên cứu sửa đổi biểu giá, việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung.

“Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường”, ông nói.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và trình lại Chính phủ vào thời điểm phù hợp năm 2021, khi dịch kiểm soát để không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và cuộc sống người dân.

Ngoài ra, ông cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

“Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các ngành kinh tế, vì vậy Bộ Công Thương đang nghiên cứu và thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khách hàng sử dụng điện, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện và trình Thủ tướng xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

Thông tin thêm, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết cơ quan này đang cập nhật thêm số liệu, sau đó cơ quan này sẽ tính toán lại để có đề xuất biểu giá hợp lý, phù hợp với số đông.

Tuấn Anh/TH