Bạch quả và những công dụng tốt đối với sức khỏe
Bạch quả là hạt già khô đã bỏ phần vỏ ngoài của cây ngân hạnh (Ginkgo biloba L.) thuộc họ bạch quả (Ginkgoaceae). Bạch quả hình bầu dục, hai đầu hơi nhọn, dài 1,6 – 2,3cm, rộng 1 – 1,6cm, vỏ màu trắng hoặc trắng tro, phẳng trơn, cứng chắc, mép rìa có hai đường, gờ cạnh, một đầu có núm lồi lên hình vuông nhỏ dài, nhân ở trong cứng hình bầu dục. Nhân có hạt màu vàng nhạt hoặc lục vàng, bên trong nhân màu trắng; có chất bột, giữa có lỗ hổng với lõi ruột nhỏ. Không có mùi, vị ngọt, hơi đắng. Là loại thổ sản chủ yếu ở vùng Hà Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Thành phần dinh dưỡng bạch quả chứa protid, lipid, hydratcacbon, calci, sắt phosphor, vitamin B2, beta-caroten, nhiều acid amin.
Theo Đông y, bạch quả tính bình, vị ngọt, đắng, chát. Tác dụng chính là thu liễm cố sáp, giúp liễm phổi, chỉ khái định suyễn. Thích hợp dùng trong các chứng ho thở gấp, lên cơn suyễn cấp; cố tinh, dùng trị di tinh, xuất tinh sớm; cô niệu. Dùng chữa trẻ tiểu dầy, đái dầm; sáp đới. Chữa các chứng xích, bạch đới… và có tác dụng giảm huyết áp nhẹ.
Thực nghiệm chứng minh, bạch quả có tác dụng ức chế với những mức độ khác nhau đối với vi khuẩn Staphylococcus, Streptococcus, E.Coli, Salmonella, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn than. Có tác dụng ức chế các loại nấm.
Bài thuốc ứng dụng
– Bạch quả xào: Bạch quả xào chín, bỏ vỏ, ăn quả. Trẻ 4 – 5 tuổi mỗi lần ăn 2 quả, trên 5 tuổi mỗi lần ăn 4 – 6 quả. Nhai kỹ, ngày 2 lần, dùng liên tục trong 1 tuần, giúp bổ thận cố tinh, trị đái dầm.
– Chè bạch quả mật ong: Bạch quả 10g (bỏ vỏ), thêm nước nấu chín, rồi thêm mật ong vừa đủ, ăn chè và bạch quả mỗi tối trước khi đi ngủ. Có tác dụng hổ trợ trong điều trị bệnh suyễn.
– Canh bạch quả bổ thận: Bạch quả 15g, kim anh tử 12g, khiếm thực 12g, sắc hai nước. Sau khi trộn đều hai nước chia 2 lần uống, dùng liên tục 3 – 5 tuần. Đây là món thực dưỡng cho người bệnh thận hư, di tinh.
– Canh bạch quả nấu gà: Bạch quả 15g, hạt sen 15g, gạo 30g, cùng tán nhuyễn sử dụng sau. Gà ác 1 con, bỏ nội tạng, các nguyên liệu vừa nêu cho vào bụng gà khâu lại, thêm nước hầm nhừ, dùng trong ngày. Dùng chữa phụ nữ bị bệnh xích, bạch đới.
– Chè bạch quả: Bạch quả 30g, đường phèn 15g, dùng nước nấu cho chín nhừ. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần, giúp trị ho suyễn, đàm loãng.
– Bạch quả nấu trứng gà: Bạch quả 2 quả, bỏ vỏ, băm nhuyễn, nhét bạch quả vào quả trứng gà đã khoét 1 lỗ, luộc trứng chín, bỏ vỏ trứng, ăn sạch, mỗi sáng- chiều 1 lần.
Chú ý ngộ độc
Bạch quả ít độc, trong đó độc nhất là mầm xanh. Đã có báo cáo trẻ em ăn 5 – 10 quả bị tử vong do ngộ độc. Một số biểu hiện ngộ độc thường gặp: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, phát sốt, bầm tím… Người bị ngộ độc nặng, xuất hiện các triệu chứng thần kinh: lo sợ, la hét, hôn mê, co giật… Nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tử vong do liệt cơ hô hấp. Khi cấp cứu ngộ độc, trước tiên cần rửa dạ dày, súc ruột, thụt tháo để làm sạch bạch quả trong dạ dày-ruột; người co giật cho thuốc chống co giật; người bầm tím cho thở oxy; người suy hô hấp cho hít thuốc hưng phấn, khi cần cho hô hấp nhân tạo. Có thể dùng cam thảo sống 60g hay vỏ bạch quả 30g sắc uống. Khi suy hô hấp, dùng xạ hương 0,3g uống với nước ấm.