Thể dục thế nào tốt cho bệnh hen?
Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét cách giữ an toàn khi tập thể dục và những điều cần biết để tránh các triệu chứng hen suyễn do tập thể dục.
Tập thể dục có tốt cho bệnh hen suyễn không?
Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tim và chức năng phổi, tăng cường sức khỏe tinh thần và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác. Người bị hen tập luyện thể dục sẽ cải thiện và rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể, giảm khó thở. Tập luyện thường xuyên giúp giảm cân, có thể làm giảm nguy cơ lên cơn hen. Hệ thống miễn dịch cũng thông qua rèn luyện thể chất mà được cải thiện, nâng cao, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên vốn là cơ hội gây ra các triệu chứng hen. Tập thể dục cũng cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, có thể làm giảm các triệu chứng hen suyễn.
Tập thế nào tốt cho bệnh nhân hen suyễn?
Những người mắc bệnh hen có thể thấy, việc tăng mức độ tập thể dục từ từ sẽ làm giảm nguy cơ hen gắng sức khi tập thể dục. Các loại hình thể dục đặc biệt thích hợp bao gồm những bài tập trung vào nhịp thở đều đặn và tăng dung tích phổi, chẳng hạn như yoga và bơi lội. Các bài tập có thời gian hoạt động ngắn và nghỉ ngơi giữa chừng là phù hợp nhất.
Yoga: Thở nhịp nhàng, có kiểm soát trong khi tập yoga có thể giúp tăng dung tích phổi của người tập đồng thời tăng sức mạnh cơ bắp cho thể lực tổng thể. Tập yoga và hít thở nhịp nhàng cũng có thể giúp giảm căng thẳng, stress (nguyên nhân gây ra cơn hen ở nhiều người).
Bơi lội: Bơi lội giúp hít thở không khí ẩm và ấm áp rất tốt cho người bị hen. Bơi lội cũng có thể giúp kiểm soát hơi thở. Đây có thể là một hoạt động nhẹ nhàng và người bệnh có thể tiến tới các buổi tập chuyên sâu hơn khi thể lực và dung tích phổi của họ được cải thiện. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng hen nặng hơn khi bơi trong bể bơi do chất clo có trong nước. Ngoài ra, bơi trong thời tiết lạnh, hay lặn sâu cũng không phù hợp với người bệnh hen.
Luôn mang theo thuốc xịt cắt cơn hen khi tập thể dục.
Các hình thức tập thể dục khác: Nhiều loại hình tập thể dục khác cũng có thể giúp cải thiện chức năng của phổi mà không cần gắng sức quá, như: golf, tenis, bóng chuyền, cầu lông, thậm chí là cử tạ. Tập thể dục từ nhẹ đến trung bình cũng có tác dụng tốt, đặc biệt khi nó liên quan đến chuyển động ổn định, giúp cải thiện sức bền thể lực và tránh phổi làm việc quá sức. Đó là đạp xe, đi dạo, đi bộ đường dài, sử dụng máy chạy bộ, đi cầu thang bộ thay vì thang máy.
Mẹo tập thể dục khi bị hen suyễn
Một số người bệnh sẽ gặp phải tình trạng co thắt phế quản khi tập thể dục và các triệu chứng thường gặp là: thở khò khè, ho, hụt hơi, tức ngực. Các triệu chứng thường xảy ra sau một vài phút tập thể dục, và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn từ 5-10 phút sau khi ngừng tập và thường sẽ giảm dần sau khoảng 30 phút.
Nguyên nhân chính là việc hít thở không khí khô, lạnh. Tập thể dục có xu hướng làm trầm trọng thêm điều này vì người đang tập thể dục thường hít vào bằng miệng thay vì bằng mũi. Trong khi không khí đi qua mũi thường được sưởi ấm và giảm độ khô. Các yếu tố kích hoạt khác bao gồm: phấn hoa, khói, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Cách tránh cơn hen suyễn khi tập thể dục
Những người mới tập thể dục nên tránh các hoạt động cường độ cao, ít nhất là cho đến khi họ hình thành được sức bền. Điều quan trọng là tránh quá sức trong khi tập thể dục.
Trước khi tập luyện cũng cần chú ý đến môi trường. Ví dụ, nếu số lượng phấn hoa nhiều hoặc không khí lạnh và khô, tốt hơn là nên tập thể dục trong nhà để giảm nguy cơ bùng phát bệnh hen suyễn. Chú ý đến cơ thể trong quá trình tập luyện. Nếu một hình thức tập thể dục gây ra cơn hen, nên ngừng hoạt động đó cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát.
Khởi động làm nóng trước khi tập thể dục và thư giãn sau khi tập.
Cuối cùng, người bệnh hen phải luôn mang theo ống xịt cắt cơn hen bên mình. Nếu các triệu chứng xảy ra trong khi tập luyện, hãy dừng lại và sử dụng ống xịt để ngăn các triệu chứng tiến triển. Tốt nhất để ngăn chặn cơn hen khi tập thể dục là sử dụng thuốc điều trị hen suyễn theo đơn của bác sĩ.
Theo SK&CĐ