Bà giáo già Hồ Hương Nam và những “chuyến đò” đặc biệt

Khi về hưu, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, bà giáo Hồ Hương Nam trở thành “người đưa đò” đặc biệt của những số phận kém may mắn.
“Người lái đò” đặc biệt
Hơn 20 năm qua, người dân phường An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã trở nên quá quen với hình ảnh bà giáo Nam tóc bạc trắng, lưng còng, hằng ngày đội nắng, đội mưa, đi bộ cả cây số để dạy học.
Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người ta không biết rằng năm nay bà đã gần 90 tuổi và lớp học của bà là lớp dành cho người khuyết tật.
Bà Hồ Hương Nam sinh năm 1933, quê gốc ở Đông Ba, TP Huế. Tốt nghiệp Trường sơ cấp sư phạm Huế năm 1952 nên từ khi ra Bắc tập kết đến nay, bà theo suốt nghề dạy học ở cấp tiểu học tại Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Thay vì đứng trên bục giảng, bà Nam lại đi tới từng bàn, kèm từng nét chữ, uốn nắn từng cách cầm bút cho đến đánh vần từng chữ cái. 
Sau khi lấy chồng, bà Nam theo chồng ra Hà Nội dạy tại các trường cấp 1 Mạc Đĩnh Chi, Phan Chu Trinh, Trường cấp 1-2 Hoàng Hoa Thám và nghỉ hưu năm 1979. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác dân số tại địa phương và đây cũng là “cơ duyên” hình thành lớp học tình thương hiện nay.
Trong thời gian vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch, bà Nam gặp hai cháu bé bị thiểu năng trí tuệ, lớn rồi vẫn chưa biết đọc, biết viết. Với cái tâm của mình, cộng thêm kiến thức bao năm đứng lớp, bà Nam đã quyết định nhận dạy học cho hai đứa trẻ tại một trụ sở tuần tra dân phố.
Từ hai học sinh ban đầu, dần dần số học sinh “lớp học đặc biệt” của bà giáo Nam tăng lên đến cả chục học sinh. Bằng tất cả tình yêu thương và tận tâm của mình, bà Nam được chính quyền địa phương tạo điều kiện, sắp xếp một lớp học nằm trong khuôn viên trường THCS An Dương.
Học sinh đặc biệt nên cách dạy cũng phải đặc biệt. Thay vì đứng trên bục giảng, bà giáo già lại đi tới từng bàn, kèm từng nét chữ, uốn nắn từng cách cầm bút cho đến đánh vần từng chữ cái.  
Lop-hoc-dac-biet02
“Lớp học tình thương” là nơi bà Hồ Hương Nam dành tất cả tâm huyết của mình để dạy dỗ những học sinh đặc biệt.
Lớp học của người giáo viên già cũng thật đặc biệt khi không phấn trắng, không bảng đen, không có biển hiệu như bao lớp học bình thường khác, chỉ có bốn chữ “lớp học tình thương”.
Nhiều khi chữ O, chữ A phải cầm tay các em 3, 4 tháng mới viết được nhưng bà giáo Nam chưa từng nản chí. Lớp học không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em cách chia sẻ, giao tiếp, hay tập vẽ, dạy toán,… để các em có được những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống hằng ngày.
“Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật hay thiểu năng vất vả hơn nhiều lần. Tôi cứ cầm tay các em tô hết trang này đến trang khác cho tới khi thành thạo. Học ghép vần cũng như vậy, nên dạy một đứa trẻ buộc lòng phải có sự kiên trì và nhẫn nại”, bà Hồ Hương Nam tâm sự.
“Trái ngọt” từ tình thương
Hơn 20 năm mở lớp, bà giáo già Hồ Hương Nam vẫn nhớ từng thế hệ học trò mà mình đã dạy. Em Đỗ Thị Kim Thúy, sinh năm 1990, bị liệt nửa người, mẹ mất sớm, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, theo lớp từ những ngày đầu, giờ đây đã có thể biết đọc, biết viết, đạt trình độ học sinh lớp 4.
Em Nguyễn Thị Dung, một trong hai học sinh đầu tiên của “lớp học đặc biệt” giờ đã lập gia đình và có hai con. Ngày học sinh lấy chồng, chính bà Nam cũng làm chủ hôn. Hay như trường hợp em Lưu Hồng Dương, bị thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp giờ đây đã biết cầm bút, biết đọc báo,…
Lop-hoc-dac-biet03
Niềm vui mỗi ngày của bà Hồ Hương Nam là được thấy nụ cười, sự tiến bộ và trưởng thành của các em học sinh.
Ông Lưu Văn Ba (Yên Phụ, Tây Hồ) – đã có gần 20 năm đẩy xe lăn đưa, đón con đi học tại lớp học tình thương của bà Nam chia sẻ: “Đến với lớp học tình thương của bà giáo Nam, con tôi hòa nhập với mọi người và biết viết chữ, làm những con toán đơn giản. Tôi rất cảm ơn tấm lòng vàng của bà vì bà đã nhiệt tình giúp đỡ các cháu”.
“Niềm vui mỗi ngày của tôi là được thấy nụ cười, sự tiến bộ và trưởng thành của các con”, bà Hồ Hương Nam chia sẻ.
Giờ đây, bước sang tuổi 89, khi chân đã yếu, tay đã run, bà Nam lại trăn trở một điều, sợ rằng khi sức khỏe đi xuống, không thể tiếp tục dạy học, thì ai sẽ là người đứng ra quan tâm, chăm sóc các em.
“Cứ nhìn các cháu là tôi lại thấy thương. Không biết rồi mai đây khi tôi nằm xuống, những mảnh đời bất hạnh này sẽ ra sao. Tôi chỉ mong xã hội cũng sẽ quan tâm hơn đến các cháu, sẽ có người tiếp tục con đường tôi đã đi”, bà Nam tâm sự. 
Trước những đóng góp cho xã hội, bà giáo Hồ Hương Nam đã được Thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu “Tuổi cao – Gương sáng” của Hội Người cao tuổi TP Hà Nội.
TH