Cây bình vôi-cây thuốc quý trong Đông Y

1. Nhận biết cây bình vôi
Cây bình vôi [Stephaniaglabra (Roxb.) Miers], họ Tiết dê (Menispermaceae) là dây leo, thường xanh, dài đến 6 m. Thân nhẵn hơi xoắn vặn. Lá mọc so le có cuống dài đính vào trong khoảng 1/3 của phiến. Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá hoặc ở những cành già lá đã rụng.
c2
Cây bình vôi – vị thuốc quý của người Việt
Quả hạch hình cầu, hơi dẹt, màu đỏ. Hạt cứng hình móng ngựa. Rễ phình lên thành củ, là bộ phận được sử dụng làm thuốc của bình vôi. Bình vôi là cây ưa sáng, thường mọc nơi có nhiều cây bụi ở rừng núi đá vôi. Phổ biến ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình… và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc.
2. Các thành phần dược liệu có trong rễ cây bình vôi 
Rễ củ chứa alcaloid L – tetrahydropalmatin, cepharantin, cepharanolin, cepharamin…  Ở Việt Nam có nhiều loài bình vôi khác nhau, do đó ở mỗi loài lại cho một số thành phần alcaloid khác nhau.
c3
Bình vôi được dùng trị chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, động kinh, …
Trên thực nghiệm, chất L – tetrahydropalmatin của bình vôi và hỗn hợp alcaloid chiết xuất từ một số loài bình vôi có tác dụng an thần, chống co giật, hạ huyết áp, hạ sốt…
3. Tác dụng của cây bình vôi theo y học cổ truyền
Theo YHCT, bình vôi được dùng trị chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, động kinh, điên giản, đau dạ dày, viêm phế quản… thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Liều dùng, ngày 4 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
4. Một số chứng bệnh thường dùng bình vôi:
– Trị suy nhược thần kinh, động kinh: bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí, đồng lượng 12g. Sắc uống, ngày một thang.
– Trị mất ngủ do thần kinh căng thẳng: bình vôi, lạc tiên, vông nem, mỗi vị 12g, liên tâm 6g, cam thảo 6g, sắc uống, ngày một thang.
– Trị đau dạ dày, loét dạ dày, hành tá tràng, lỵ: bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm cho lá, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
– Trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản mạn tính: bình vôi, huyền sâm, cát cánh, mỗi vị 12g, trần bì 10g. Sắc uống, ngày một thang.
Thu Trà-t/h