Loãng xương và các biện pháp phòng ngừa
Loãng xương là một tình trạng bệnh lý ở người cao tuổi. Có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi gặp nguy cơ loãng xương cùng với những hệ lụy không nhỏ.
Loãng xương ảnh hưởng đến cả nam và nữ, nhưng phụ nữ có nước da trắng và châu Á, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi đang trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Loãng xương xảy ra khi tốc độ bù đắp xương mới của cơ thể không theo kịp tốc độ mất xương. Cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn. Loãng xương ở người cao tuổi còn do chế độ ăn thiếu can xi, thiếu vtamin D, lối sống ít vận động, dùng thuốc…
Loãng xương có thể “đảo ngược” được không? Hầu như không có cách “đảo ngược” bệnh loãng xương. Nói một cách thực tế, điều trị loãng xương mục đích là giúp ngăn ngừa gãy xương trong tương lai xảy ra hoặc tái phát. Bạn có thể giảm thiểu hậu quả của chứng loãng xương bằng nhiều loại thuốc khác nhau để giúp ngăn ngừa mất xương hoặc củng cố xương vốn đã yếu.
Có biện pháp gì để giảm bớt ảnh hưởng của loãng xương?
1. Dùng thuốc
Thuốc chống loãng xương như bisphosphonates là những loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất để điều trị loãng xương. Có thể đảo ngược chứng loãng xương bằng các phương pháp điều trị y tế không? Không, nhưng thuốc có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tự nhiên phân hủy mô xương (quá trình apoptosis), dẫn đến duy trì hoặc tăng cường độ mật độ xương. Bisphosphonates bao gồm nhiều tên thuốc khác nhau. Một số sẽ được lựa chọn cho phụ nữ sau mãn kinh, một số phù hợp cho nam giới có nguy cơ gãy xương cao, và các loại thuốc được chấp thuận cho cả nam và nữ. Nên uống thuốc nào cần được chỉ định của bác sĩ.
2. Liệu pháp hormone
Trong nhiều thập kỷ, liệu pháp hormone đã là phương pháp chính để phòng ngừa và điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Tác nhân isan điều biến thụ thể estrogen có chọn lọc (SERMs) kích hoạt một số thụ thể estrogen giống như thụ thể trên mô xương, nhưng không ảnh hưởng đến các mô khác có thụ thể estrogen.
Thyrocalcitonin là một hormone sản sinh tự nhiên trong tuyến giáp. Nó giúp điều chỉnh mức canxi trong cơ thể và tham gia vào quá trình xây dựng xương.
Hormone tuyến cận giáp (PTH) là một loại hormone sản sinh tự nhiên bởi một tuyến phía sau tuyến giáp, giúp điều chỉnh mức canxi và phốt phát trong cơ thể của một người.
Loãng xương ảnh hưởng tới cả 2 giới và thường gặp ở người cao tuổi
Nên lưu ý gì trong cuộc sống hàng ngày của bạn?
Có thể phục hồi xương do loãng xương được không? Mặc dù câu trả lời là “KHÔNG”, bạn vẫn có thể sớm thực hiện nhiều điều để xây dựng xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương trầm trọng hơn. Sau đây là một số điều rất gần gũi với đời sống hàng ngày mà bạn có thể thực hiện.
1. Ngừng uống soda
Nước soda, đặc biệt là cola, chứa phốt pho ở dạng axit photphoric. Nếu tiêu thụ quá nhiều phốt pho có thể làm cản trở quá trình hấp thụ can xi của cơ thể và khiến cơ thể thiếu can xi. Tuy nhiên, một số loại nước khoáng có gas có lợi cho sức khỏe tốt của xương. Một số loại nước ngọt cũng có thể chứa caffeine với lượng cao có thể gây mất xương. Để có sức khỏe xương tốt, bạn nên ngừng uống nước ngọt có gas hoặc có chứa caffein hàm lượng cao.
2. Ngừng uống cà phê
Mỗi tách cà phê sẽ khiến bạn mất đi 150 mg canxi qua nước tiểu. Cà phê đã khử caffein về mặt hóa học cũng không tốt hơn chút nào, vì có các chất hóa học cản trở quá trình thải độc. Các loại trà đã khử caffein tự nhiên có thể là một sự thay thế tốt hơn, nhưng nếu bạn là tín đồ của cà phê và nhất định phải uống cà phê hằng ngày, thì hãy thêm một ít sữa hoặc kem cho mỗi cốc cà phê bạn uống để tăng mức canxi.
3. Đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn quá nhiều đường tinh luyện và tinh bột có thể làm tăng mức insulin trong cơ thể và gây ra nguy cơ loãng xương. Những người bị loãng xương cần duy trì một chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp bao gồm đậu, rau, sữa chua ít béo và thịt nạc, vì chúng phân hủy chậm hơn, giải phóng glucose dần dần vào máu.
4. Giảm bớt sự căng thẳng
Căng thẳng gây ra một số thay đổi sinh lý làm tăng mức cortisol. Nếu nồng độ cortisol duy trì ở mức cao trong thời gian dài, có thể dẫn đến mất xương. Cortisol đối kháng với tác dụng của insulin và dẫn đến kháng insulin, cuối cùng làm tăng lượng đường trong máu và gây mất canxi. Để giảm bớt căng thẳng, stress trong cuộc sống, bạn có thể tìm cách thư giãn nhiều hơn, đảm bảo giấc ngủ chất lượng và tìm sự cân bằng trong các mối quan hệ thân thuộc.
5. Thực hiện một số bài tập
Tập thể dục có thể giúp xương chắc khỏe hơn. Thường xuyên tập các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp theo khuyến nghị của bác sĩ. Các bài tập như chạy đường dài, đi bộ, cử tạ và leo cầu thang, sẽ giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn đã có nguy cơ gãy xương, hoặc từng gãy xương do loãng xương, bạn cần tránh các bài tập có tác động mạnh. Thay vào đó, hãy chọn một số bài tập chịu tải trọng và tác động thấp như máy tập elip, thể dục nhịp điệu nhẹ, đi bộ nhanh trên máy chạy bộ hoặc máy tập bậc cầu thang. Các bài tập có thể giúp bạn cải thiện tư thế, thăng bằng và mức độ di chuyển của bạn trong các hoạt động hàng ngày.
6. Bổ sung Vitamin D
Vitamin D cũng rất cần thiết cho xương khỏe mạnh vì nó thúc đẩy sự hấp thụ canxi và giúp tạo xương. Bạn cũng có thể nhận được vitamin D thông qua thực phẩm và thực phẩm chức năng như dầu cá, trứng, cá ngừ, cá hồi, sữa chua, … Cơ thể của bạn cũng tự tạo ra vitamin D khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời tiếp xúc. Vì thế nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trước 9 giờ sáng, có thể phơi nửa thân trên, hoặc chỉ khuôn mặt, tay, chân mỗi ngày 15 phút.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu bạn đang ở độ tuổi 50 hoặc 60 và bị gãy xương khi ngã, bạn nên cân nhắc việc đi kiểm tra. Và tất cả phụ nữ, bất kể tình trạng xương thế nào, từ tuổi 65 nên được kiểm tra loãng xương .
Loãng xương có thể diễn ra từ từ, âm thầm kể cả khi bạn chưa già, nếu bạn hút thuốc lá, uống bia rượu, mắc bệnh nội tiết… Vì vậy nên quan tâm kiểm tra và thực hiện những biện pháp phòng ngừa loãng xương sớm.
Mai Phương/TH