Những thói quen tiêu cực đang bào mòn cuộc sống của bạn

479
Một số người có thói quen nghĩ đến những điều tồi tệ nhất. Họ cho rằng nếu chấp nhận kịch bản xấu nhất, không gì có thể làm cho họ thất vọng. Đây là một trong số nhiều thói quen tiêu cực đang bào mòn cuộc sống của bạn.
Lo lắng vì tất cả những gì nằm ngoài tầm kiểm soát
Nhiều người dường như làm chủ được cuộc sống: Họ có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, bạn bè quảng giao, kinh doanh thuận lợi. Nhưng đằng sau những điều tốt đẹp bên ngoài thường ẩn chứa những nỗi lo lắng: Liệu ta có giữ được công việc này cho đến hết đợt suy thoái kinh tế? Ta có làm cuộc sống gia đình rối tung lên với việc chuyển cơ quan? Nếu con trượt đại học thì mình phải làm sao?
Đây như một thói quen của tâm khiến bạn dễ rơi vào trạng thái bồn chồn lo lắng về mọi việc. Cho dù không mong chờ điều xấu nhất, bạn vẫn e sợ khả năng đó sẽ xảy ra. Lo âu là suy nghĩ quá mức, đặc biệt là về tương lai vô định hay việc người khác nhìn nhận về bạn như thế nào. Bạn e ngại bị làm phiền bởi một cuộc điện thoại gọi đến, trong khi trên thực tế đầu dây bên kia chỉ muốn hỏi thăm tán gẫu. Thay vì chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát mọi thứ, bạn tiếp tục lo lắng về tất cả những gì nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc đó sẽ chỉ khiến bạn hao tâm tổn sức mà chẳng giúp ích được gì.

Thay vì chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát mọi thứ, bạn tiếp tục lo lắng về tất cả những gì nằm ngoài tầm kiểm soát.

Thay vì chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát mọi thứ, bạn tiếp tục lo lắng về tất cả những gì nằm ngoài tầm kiểm soát.

Thói quen nghĩ đến những điều tồi tệ nhất
Một số người có thói quen nghĩ đến những điều tồi tệ nhất. Họ cho rằng nếu chấp nhận kịch bản xấu nhất, không gì có thể làm cho họ thất vọng. Nhưng nếu muốn có tâm an lạc, bạn lại không thể nghĩ theo cách này. Bi quan hiếm khi dẫn tới hạnh phúc. Thật đáng tiếc nếu bạn ngăn mình tận hưởng cuộc sống bằng tâm bi quan yếm thế đó. Trong khi bao điều tốt đẹp đang diễn ra trước mắt, tâm bi quan vẫn khiến bạn phấp phỏng chờ đợi điều không hay xảy đến. Đây là biểu hiện của sự thiếu trí tuệ và dũng khí trong cách sống của mình.  
Thói quen suy nghĩ quá nhiều, phóng đại mọi thứ
Và trong khi một số người lo lắng về tương lai thì số khác lại bị mắc kẹt trong quá khứ. Những người này luôn lo lắng về những gì mình đã nói hay làm: Liệu những lời nói hay hành động của họ có làm người khác phiền não? Có thể do tiếc nuối quá nhiều về quá khứ, họ thấy thất vọng về thực tại. Nhiều người đau khổ do suy nghĩ quá nhiều. Họ nhớ lại chi tiết một câu chuyện mình đã nói trong ngày, trong tuần hoặc thậm chí là trong năm vừa qua, rồi phân tích mổ xẻ rất nhiều lần. Họ cố chấp trong quan niệm của chính mình và không biết phải xử lý thế nào trước sự khác biệt về quan điểm.
Thay vì làm mọi việc trở nên khó khăn do nghĩ ngợi và tưởng tượng quá nhiều, chúng ta nên thư giãn và xem mình có thể làm gì để giải quyết vấn đề. Hãy suy ngẫm vì sao chúng ta gây đau khổ cho chính mình. Chúng ta được lợi gì với trạng thái tâm như vậy?
Nghệ thuật kết nối với chính mình

Chúng ta cần tự soi chiếu mình trong gương mà không phải nhăn nhó, cần trung thực chỉ ra những gì cần chuyển hóa.

Chúng ta cần tự soi chiếu mình trong gương mà không phải nhăn nhó, cần trung thực chỉ ra những gì cần chuyển hóa.

Bạn cần trang bị cho mình cái nhìn tươi mới trước những lối mòn lặp đi lặp lại rất nhiều trong cuộc đời, gỡ bỏ định kiến tiêu cực về những hoàn cảnh hay con người mà trước đó bạn vẫn cho là rào cản khiến mình không hạnh phúc. Thách thức bất ngờ nảy sinh lại giúp bạn có một góc nhìn khác, và bạn thấy mình không dễ bị chi phối mỗi khi có việc khuấy động sự bình an của mình. Bạn sẽ thong thả dừng lại, tìm ra giải pháp đúng với quy luật tự nhiên thay vì lập tức phản ứng tiêu cực trước nghịch cảnh.
Chỉ cần thực hành chút xíu, bạn sẽ nhận ra trước đó mình đã thêu dệt, ngụy tạo những điều kiện hoàn cảnh để tạo ra “hạnh phúc” cho mình rất nhiều. Bạn nhận ra rằng mình đã từng bám chấp, thậm chí là phụ thuộc hoàn toàn vào những lối mòn trong cách suy nghĩ, về điều mình thích và không thích, đến mức tự mình trở thành hẹp hòi, thiển cận. Lúc này bạn đã biết mình sẽ khó có được hạnh phúc với tâm hẹp hòi. Vì thế, hãy tu tập thực hành để khai mở tâm, tìm ra chìa khóa để có lại hạnh phúc đích thực.
Chúng ta cần tự soi chiếu mình trong gương mà không phải nhăn nhó, cần trung thực chỉ ra những gì cần chuyển hóa. Khi có thể trung thực và yêu thương bản thân, bạn mới có thể trung thực và yêu thương mọi người. Nghệ thuật kết nối với chính mình có thể coi là khoa học – bạn khám phá động lực của bản thân và hiểu thêm về chính mình. Càng hiểu rõ mình, bạn sẽ càng chủ động để tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc, tích cực và tràn đầy ý nghĩa.
Mai An/TH